Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Cand)
Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương, Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương, Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp.
Theo Liên đoàn luật sư Việt Nam, sau 5 năm thành lập, đến nay, số lượng luật sư đã tăng gần 40% lên 8.675 người; 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đều đã thành lập Đoàn luật sư. Đội ngũ luật sư đã tham gia vào hơn 67.000 vụ án hình sự, 54.000 vụ án dân sự, gần 5.500 vụ án kinh tế, 4.000 vụ án hành chính, ngoài ra còn trợ giúp pháp lý miễn phí cho hàng chục nghìn người nghèo, đối tượng chính sách. Cùng với tham gia tích cực trong công tác xây dựng pháp luật, Liên đoàn luật sư đã mở rộng hợp tác quốc tế với nhiều tổ chức luật sư các nước, tham gia Hiệp hội luật châu Á - Thái Bình Dương.
Những thành công trong nhiệm kỳ 1 của Liên đoàn đã bước đầu thực hiện tốt vai trò là ngôi nhà chung tập hợp, đoàn kết giới luật sư Việt Nam; thực hiện tốt công tác tự quản của tổ chức xã hội-nghề nghiệp, là cầu nối vững chắc giữa Đảng, Nhà nước, xã hội và giới luật sư, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể, cá nhân và bảo vệ công lý.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cũng cho rằng vẫn còn những vấn đề của hệ thống pháp luật; trình độ dân trí chưa tạo được môi trường hoạt động cho luật sư; vẫn có tình trạng cá nhân các cơ quan tiến hành tố tụng từ chối, chậm trễ trong cấp giấy chứng nhận người bào chữa, cản trở, gây khó khăn khi luật sư tiếp xúc, gặp bị can, bị cáo tại nhà tạm giữ, trại tạm giam hoặc trong các giai đoạn tham gia tố tụng. Trao đổi vấn đề này, đại diện Bộ Công an khẳng định, nếu có phản ánh, Bộ Công an sẽ chấn chỉnh và xử lý nghiêm. Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cũng nhất trí về sự cần thiết của luật sư ngay từ đầu quá trình tố tụng. Tình trạng luật sư vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm phạm luật cũng được nêu ra tại buổi làm việc.
Chủ tịch nước hoan nghênh thời gian qua, hoạt động của luật sư đã góp phần tích cực vào hạn chế oan sai, bảo vệ công lý, đồng thời khẳng định chủ trương đẩy mạnh cải cách tư pháp nâng cao chất lượng tranh tụng và đổi mới mô hình hoạt động tố tụng là hoàn toàn đúng đắn.
Chủ tịch nước cho rằng, trước yêu cầu đẩy mạnh cải cách tư pháp, với tinh thần dân chủ, đổi mới, Hiến pháp năm 2013 ghi nhận các nguyên tắc quan trọng của hoạt động tư pháp và quy định nhiệm vụ bảo vệ chế độ, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người. Vì vậy, vai trò và trách nhiệm của luật sư càng nặng nề, đòi hỏi hoạt động của luật sư, tổ chức luật sư phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, nâng cao hơn chất lượng để đáp ứng nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Chủ tịch nước lưu ý, số lượng luật sư còn ít, phát triển chưa tương xứng, vẫn có luật sư vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật, do đó phải tập trung xây dựng đội ngũ luật sư, tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông để nâng cao hình ảnh và nhận thức, tạo sự tin tưởng của người dân đối với luật sư, với chế độ và công lý.
Tán thành các giải pháp trong thời gian tới, Chủ tịch nước đề nghị Liên đoàn cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành, các cấp địa phương và nhất là phải thực hiện tốt Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị và kết luận 92 về chiến lược cải cách tư pháp, trong đó tập trung phát huy vai trò luật sư khi tham gia tố tụng và tranh tụng tại phiên tòa để vừa chống oan sai, bỏ lọt tội phạm vừa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân, bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, Liên đoàn luật sư cần tích cực tham gia xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật, mở rộng hợp tác quốc tế để có thể tham gia vào giải quyết tranh chấp quốc tế trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới.