Di chỉ Vườn Chuối được các nhà khoa học nhận định có giá trị ngang với Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa. Do chưa được xếp hạng, hiện chưa có biện pháp nào được đưa ra để bảo vệ di sản ngoài nỗ lực của chính người dân nơi đây. Hàng chục năm qua họ vẫn gìn giữ và bảo vệ di sản theo cách riêng của mình.
Ấn phẩm mới nhất của cụ Đặng Văn Tích (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) gồm những hình ảnh cổ vật do người dân tìm thấy, sau đó cụ Tích tập hợp, đặt trang trọng trên trang viết chuyên đề về di chỉ Vườn Chuối. Mỗi tháng cụ Tích xuất bản một cuốn như vậy và tự bỏ tiền in cho bà con. Đã 87 tuổi, cụ Tích sợ rằng không bao giờ thấy ngày di chỉ Vườn Chuối được vinh danh.
Hàng trăm cổ vật tại di chỉ Vườn Chuối do ông Phạm Văn Hùng (thôn Lai Xá) nhặt nhạnh trong 10 năm qua được trưng bày tại gia đình ông. Một số còn nguyên vẹn, nhưng không ít chỉ còn là những mảnh vỡ. Chính ông đã chứng kiến bao cổ vật quý bị phá hủy trong niềm xót xa.
Để bảo vệ di sản, dự án Cộng đồng với khảo cổ học Vườn Chuối đã ra đời, đây là nỗ lực của người dân Lai Xá cùng các nhà khoa học. Nhà ông Hùng từ nay trở thành điểm tham quan cho học sinh, sinh viên, đây cũng là ý nguyện của ông. Bảo tàng nhiếp ảnh của thôn Lai Xá sẽ mở phòng trưng bày chuyên đề cho bà con chiêm ngưỡng những báu vật trong lòng đất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!