Người làm sống lại dòng tranh Đông Hồ

Thùy Dương-Thứ tư, ngày 13/02/2013 08:34 GMT+7

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế với bức Chăn trâu thổi sáo. Ảnh khai thác

Là thế hệ thứ 20 trong một gia đình làm tranh truyền thống, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế hiểu sâu sắc cái đẹp của dòng tranh dân gian Đông Hồ. Nhưng nguy cơ mất đi nét đẹp văn hóa dân gian là điều làm ông trăn trở nhất.

Sinh ra và lớn lên ở làng tranh Đông Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh, Nghệ nhân tranh dân gian Nguyễn Đăng Chế dù ở tuổi thất thập cổ lai hy vẫn đang từng ngày gìn giữ, làm sống dậy nét văn hóa đã đi vào thi ca của vùng quê Kinh Bắc giàu truyền thống.

Tâm huyết của người một lòng đau đáu giữ nghề đến gần hết cuộc đời càng được thể hiện rõ qua việc thành lập Trung tâm Văn hóa tranh dân gian Đông Hồ, vừa sản xuất, trưng bày và bán tranh ngay tại mảnh đất quê hương.

Sau khi nghỉ hưu, ông Nguyễn Đăng Chế đã quay về làng tìm mua lại những bản in bằng gỗ. Hàng ngàn bản khắc cổ của làng Đông Hồ vốn đã từng in ra biết bao bản tranh trong suốt cả lịch sử làm tranh đã tới mấy trăm năm, nay được thu gom lại tương đối đầy đủ. Ông Chế kiểm tra và phân loại bản in. Bản nào in được thì dùng để in tranh, bản nào không rõ nét khắc thì giữ lại thành bảo tàng, phục dựng lại dòng tranh dân gian rất quý hiếm của dân tộc.

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cho biết: “Tôi và các con nghĩ làm thế nào để giữ lại nghề của cha ông mình, đặc biệt là ở Việt Nam nói đến Đông Hồ chỉ có một. Từ chỗ đó, năm 1990 Nhà nước cho nghỉ hưu, tôi đã phục hồi lại. Cũng may là khi tôi sưu tầm được tất cả những cái tranh này, sưu tầm cũng có nhiều vất vả lắm. Sau năm 1990-1995, biết nhà nào có bản khắc cổ, tôi đến vận động, thương lượng rồi mua lại”.

Dù gặp không ít khó khăn trong việc sưu tầm, nhưng với sự nỗ lực và tâm niệm giữ bản khắc chính là giữ lấy nghề, đến nay nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã có hơn 1000 bản khắc của 250 loại tranh, bản khắc cổ nhất có niên đại trên 200 năm, mới nhất khoảng 50 năm. Đây chính là gia tài khổng lồ và là cơ sở để tin rằng, tranh Đông Hồ sẽ không bị thất truyền.

Không chỉ bảo tồn và phục dựng, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế còn có nhiều ý tưởng sáng tạo góp phần đưa tranh Đông Hồ ngày càng gần gũi hơn với những người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Thay vì in tranh trên giấy dó, ông cặm cụi chuyển thể những đường nét sống động của dòng tranh dân gian này lên chất liệu gỗ, vừa tạo độ bền, vừa đem đến nét đẹp điêu khắc tinh xảo. Thay vì dán tranh trên tường, ông lồng tranh vào khung kính để treo, tăng phần lịch lãm, sang trọng. Những cuốn sổ được làm bằng giấy dó bìa in tranh Đông Hồ, những tấm bưu thiếp Đông Hồ xinh xắn do ông sáng tạo cũng đã trở thành món quà lưu niệm đầy ý nghĩa.

Nói xét về nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, ông Nguyễn Văn Tuân, Phó Chủ tịch UBND xã Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh cho biết: “Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế rất tâm huyết với ngành nghề truyền thống của địa phương, năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm và thành lập nên doanh nghiệp để bảo tồn văn hóa của quê hương”.

Với tâm huyết và sự nỗ lực của ông Chế, Trung tâm giao lưu văn hóa tranh dân gian Đông Hồ đã chính thức được UNESCO công nhận là làng nghề truyền thống vào năm 2008. Và ông Chế cũng vinh dự được nhận giải thưởng “Bàn tay vàng” do Bộ Công thương trao tặng năm 2012.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước