Tết Nguyên đán là thời điểm hàng hóa tiêu thụ lớn nhất trong năm. Năm nay, thị trường hàng hóa có điểm đặc biệt đáng chú ý là không chỉ tăng sản lượng các mặt hàng, người tiêu dùng còn lựa chọn nhiều hàng Việt hơn. Trong những ngày cao điểm này, giá bán các mặt hàng không thay đổi, không xảy ra tình trạng găm hàng, ép giá. Lượng khách đến mua sắm Tết tại nhiều siêu thị tăng gấp 5 lần so với ngày thường.
Tết vốn là dịp người tiêu dùng sẵn sàng bỏ nhiều tiền ra nhất trong năm. Các mặt hàng bánh kẹo, rượu bia tăng hơn 200% so với ngày thường. Nhưng điểm khác biệt là năm nay, hàng nông sản sản xuất trong nước với nguồn hàng từ khắp các vùng miền trong cả nước được người tiêu dùng lựa chọn nhiều, lượng tiêu thụ tăng tới 250%.
Mặt hàng được cho tiêu thụ mạnh nhất vẫn là các hộp mứt Tết cổ truyền, so với năm ngoái tăng gấp 300%. Mặc dù năm nay kinh tế vẫn còn khó khăn nhưng người dân chi khá mạnh cho Tết. Lượng hàng tiêu thụ tại các điểm bán lẻ tăng từ 30 - 200% so với cùng kỳ 2016. Không chỉ ở thành phố, trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, Hà Nội còn tổ chức các đợt bán hàng lưu động về khu vực nông thôn, khu công nghiệp với số lượng lớn để phục vụ người tiêu dùng.
Năm nay, thành phố Hà Nội sẽ dành hơn 23.000 tỷ đồng để chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán. Ngoài ra, sẽ có các điểm bán hàng phục vụ Tết tại 20 trung tâm thương mại, gần 120 siêu thị và gần 1.000 điểm kinh doanh, cửa hàng tiện ích được Hà Nội triển khai để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!