ĐBSCL sắp bước vào mùa mưa. Theo kinh nghiệm dân gian, bắt đầu từ tháng 5 mùa mưa về, đồng bằng sẽ xua tan được nắng hạn, đẩy nước mặn ra xa, khôi phục sức sống cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, mưa về cũng đem theo một nỗi lo lớn bởi mùa mưa cũng là mùa gia tăng sạt lở bờ sông, bờ biển.
Ở bất kỳ con sông nào của miền Tây cũng có thể thấy những dấu vết hay dấu hiệu của sạt lở, do đó đây luôn là nỗi lo canh cánh của người dân và chính quyền các địa phương. Theo thống kê của Tổng cục Phòng chống thiên tai, toàn vùng ĐBSCL đang có tới 526 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài khoảng 786km. Trong đó, có 57 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm, cần có giải pháp cấp bách để khắc phục, xử lý.
Trong 46 năm qua, sạt lở đã làm mất khoảng 16.000ha đất của cả vùng, trong đó riêng tỉnh Cà Mau mất hơn 10.000ha. Hơn ai hết, chính những người dân sống ở vùng sạt lở sẽ thấy và hiểu về những bất an. Bất kỳ người dân, địa phương nào đều mong muốn tìm mọi giải pháp để khắc phục sạt lở, tuy nhiên vì thiếu kinh phí nên họ phải "liệu cơm gắp mắm".
Với hơn 160km bờ sông, bờ biển cần nhanh chóng được bảo vệ, có thể thấy nhu cầu về vốn của các địa phương vùng ĐBSCL là khá cấp bách, lên đến hàng nghìn tỷ đồng, nhưng để có đủ kinh phí cho cả vùng không thể "một sớm một chiều". Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng cần phải có sự tính toán, cân nhắc, chỗ nào làm công trình hiệu quả thì mới làm, chỗ nào quá xung yếu, nguy cơ rủi ro cao thì dứt khoát phải di dời. Khi đó, điều quan trọng tiếp theo là ổn định đời sống và sinh kế cho người dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!