Trẻ em nông thôn tự do chơi đùa, bơi lội tại các ao hồ phục vụ sản xuất, để rồi cũng chính từ đây đã xảy ra không ít vụ tai nạn đuối nước thương tâm. Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung, lại tiếp tục xảy ra các vụ đuối nước thương tâm cũng tại những ao hồ ấy. Những vụ việc đau lòng thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc cần khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn ngừa, phòng tránh đuối nước ở trẻ em, nhất là trẻ em nông thôn.
Hồ nước giờ đã trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân ở thôn Tân Lập, xã Ia Sao, huyện Ia Grai, sau vụ 4 em nhỏ bị tử vong do đuối nước cách đây chưa lâu. Điều đáng nói, diện tích hồ tưới này khá rộng, trong lòng hồ có nhiều hố sâu từ 5 - 7 m, nhưng chẳng có một rào chắn hay biển cảnh báo nào.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có gần 80.000 ha cà phê, do đó ngoài những hồ chứa của các doanh nghiệp còn có hàng ngàn ao, hồ do người dân tự đào múc để tưới cà phê trong mùa khô. Tuy nhiên, hầu hết những ao hồ này không hề có một biển cảnh báo nguy hiểm hoặc hàng rào ngăn cách nào bảo vệ. Sơ suất này đã khiến 36 trẻ em tử vong do đuối nước. Thực tế đau lòng này đòi hỏi chính quyền tỉnh Gia Lai cần có những chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với các chủ hồ tưới không thực hiện đúng quy định rào chắn và cấm biển cảnh báo.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!