Nguy cơ mất an toàn của hệ thống đê điều ở Việt Nam trước lũ, bão

T.K-Thứ sáu, ngày 12/10/2018 21:30 GMT+7

Một vụ vỡ đê ở An Giang.

VTV.vn - Thiệt hại sau thảm hoạ động đất – sóng thần ở Indonesia là sự cảnh tỉnh về nguy cơ mất an toàn của hệ thống đê điều ở Việt Nam trước thiên tai lũ, bão.

Trong khoảng 2 thập kỷ trở lại đây, các loại thiên tai trên Trái đất ngày càng khốc liệt và khó lường, phá vỡ quy luật ở nhiều khu vực trên thế giới, làm cho công tác chủ động phòng chống, né tránh ở nhiều quốc gia gặp rất nhiều khó khăn, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản và các cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Gần đây nhất, động đất, sóng thần xảy ra ngày 28/9/2018 tại Indonesia đã làm chết và mất tích hàng nghìn người, gần 70 nghìn ngôi nhà bị phá hủy, thiệt hại về vật chất có thể lên tới hàng trăm tỷ USD và chắc chắn phải mất nhiều năm mới có thể khắc phục được.

Ở Việt Nam, thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra trong những năm gần đây cũng rất nặng nề, ước tính chiếm từ 1 – 1,5% GDP hàng năm, ảnh hưởng rất nhiều đến phát triển kinh tế - xã hội một cách ổn định và vững chắc. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm nay, thiên tai ở Việt Nam đã làm 175 người chết và mất tích, ước tính thiệt hại về kinh tế lên đến 12 nghìn tỷ đồng.

Cơn bão số 7 năm 2005 với sức gió cấp 12 đổ bộ vào các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ đã làm vỡ hàng loạt tuyến đê biển từ Hải Phòng đến Thanh Hóa. Cơn bão số 10 năm 2017 làm chết 6 người, đổ sập 3.200 căn nhà, gần 200 nghìn căn nhà bị hư hỏng, thiệt hại về kinh tế khoảng 18.402 tỷ đồng; nước dâng, sóng lớn do bão gây ra làm hư hỏng nặng các tuyến đê biển từ Hải Phòng đến Thừa Thiên Huế.

Cũng trong năm 2017, cơn bão số 12 làm 123 người chết và mất tích, đổ sập 3.550 căn nhà, gần 300 nghìn căn nhà bị hư hỏng, phá hỏng 73.444 lồng bè nuôi trồng thủy sản..., thiệt hại về kinh tế ước khoảng 23 nghìn tỷ đồng. Năm 2017 cũng xảy ra các đợt lũ lớn trên hệ thống sông Đáy, sông Hoàng Long, sông Mã, có nơi mực nước vượt mực nước lũ lịch sử đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tuyến đê sông.

Nguy cơ mất an toàn của hệ thống đê điều ở Việt Nam

Hệ thống đê điều có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác phòng chống thiên tai, bão, lụt; bảo vệ tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân cũng như thành quả đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hệ thống đê điều cũng là những tuyến đường giao thông quan trọng kết nối giao thông giữa các địa phương, khu vực.

Hệ thống đê điều ở Việt Nam có quy mô rất lớn; với tổng chiều dài khoảng 9.300km, trong đó có 6.400km đê sông và gần 2.900km đê biển. Trên các tuyến đê, có 2.700km đê được phân cấp từ cấp III đến cấp đặc biệt. Đây là các tuyến đê bảo vệ các khu vực có dân cư tập trung đông và nhiều công trình hạ tầng quan trọng của đất nước. Hệ thống đê điều ở Việt Nam đã được khép kín và khá đồng bộ, song các tuyến đê chủ yếu được đắp bằng đất, dưới tác động của mưa, lũ, bão nên các tuyến đê thường xuyên bị hư hỏng, xuống cấp nhanh, khó đảm bảo an toàn khi phải chống chọi với lũ lớn, sóng to, gió lớn.

Những năm qua, hệ thống đê điều luôn được Nhà nước quan tâm đầu tư kinh phí cho việc tu bổ, sửa chữa và nâng cấp, song do chiều dài đê lớn, nguồn kinh phí đầu tư nâng cấp còn có hạn, cho nên hiện tại còn nhiều đoạn đê, tuyến đê chưa đảm bảo an toàn trước thiên tai ngày một cực đoan và khốc liệt. Đến nay, vẫn còn 244km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt thiếu cao trình, có khả năng bị tràn khi gặp lũ lớn; 726km đê còn nhỏ, hẹp, chưa đủ yêu cầu so với thiết kế; hơn 12km đê thường xuyên xảy ra mạch đùn, mạch sủi, 66km bị thẩm lậu, rò rỉ chưa được xử lý; 93 cống dưới đê hư hỏng nặng cần phải xây dựng lại, 355 cống cần sửa chữa; 220km kè bị hư hỏng, sạt lở và còn tồn tại 239 vị trí trọng điểm xung yếu cần phải xây dựng phương án bảo vệ.

Nguy cơ mất an toàn của hệ thống đê điều ở Việt Nam trước lũ, bão - Ảnh 1.

Vỡ đê bao ở Vĩnh Long

Hàng năm, trong mùa mưa, lũ, bão thường xảy ra rất nhiều sự cố gây mất an toàn hệ thống đê điều. Cụ thể như năm 2017 đã xảy ra 426 sự cố đê điều. Từ đầu năm 2018 đến nay đã xảy ra 116 sự cố, trong đó có nhiều sự cố nguy hiểm là điều phải đặc biệt quan tâm trước những diễn biến bất thường của thiên tai, nguy cơ vỡ đê là hiện thực vì rất dễ xảy ra. Nếu để xảy ra vỡ đê, nhất là đối với hệ thống đê sông Hồng đang bảo vệ 15.000 km2, với số dân 20,2 triệu người, trong khu vực có trung tâm chính trị, kinh tế quan trọng của thủ đô Hà Nội, tập trung nhiều khu công nghiệp, trọng điểm kinh tế, cơ sở hạ tầng... sẽ gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng và sẽ là thảm họa quốc gia.

Trước thực trạng còn nhiều tuyến đê, đoạn đê xung yếu, để đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, hàng năm, trước mùa mưa, bão, lũ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều có văn bản hướng dẫn các địa phương tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống đê điều, xác định các trọng điểm xung yếu; đồng thời xây dựng, phê duyệt và triển khai trên thực tế phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm. Các phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm được các tỉnh, thành phố xây dựng chi tiết, cụ thể và đảm bảo sẵn sàng theo phương châm 4 tại chỗ (vật tư, lực lượng, chỉ huy và hậu cần tại chỗ). Đây là phương án và giải pháp rất thiết thực, hiệu quả trong phòng chống lũ lụt đã được khẳng định trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, trong 16 năm qua, kể từ sau trận lũ năm 2002, trên hệ thống sông Hồng chưa xảy ra lũ lớn, lại có các công trình hồ chứa thủy điện lớn phía thượng lưu điều tiết lũ, đã xuất hiện tư tưởng chủ quan trong nhân dân cũng như lãnh đạo các cấp, các ngành. Thực tế này rất nguy hiểm vì khi xảy ra lũ lớn ở hạ du là lúc các công trình hồ chứa thượng lưu không còn khả năng cắt lũ, thậm chí còn phải xả lũ lớn để đảm bảo an toàn công trình thì hệ thống đê sông khó có thể chống đỡ. Mặt khác, sau nhiều năm không xảy ra lũ lớn, khi có lũ lớn xảy ra, công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng sẽ gặp lúng túng vì thiếu kinh nghiệm, trong khi đó hệ thống đê điều lại xảy ra nhiều sự cố hơn do nhiều năm chưa phải chịu mức lũ cao.

Một vấn đề cũng rất đáng quan tâm trong công tác hộ đê chống lũ là khâu vật tư dự phòng. Hiện nay, vật tư dự phòng cho công tác hộ đê như đá hộc, đá dăm, cát, sỏi, rọ thép, bao tải, đất, rong rào... đều còn thiếu về số lượng và chủng loại. Nhiều chủng loại vật tư không còn phù hợp với trình độ khoa học công nghệ, điều kiện thi công cơ giới trong hộ đê hiện nay. Nhiều loại vật tư như tre, rong rào không còn hoặc rất thiếu ở các vùng nông thôn ven đê cũng là điều cần quan tâm xử lý. Nếu không chủ động xử lý những tồn tại này thì việc xử lý ngay từ giờ đầu sẽ không đạt được yêu cầu của công tác hộ đê, chống lụt.

Các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hệ thống đê điều

Thiên tai ngày một thất thường, khắc nghiệt và cực đoan. Bão to, lũ lớn có thể xảy ra bất cứ lúc nào và không còn giữ đúng quy luật tự nhiên. Đó là những khó khăn rất lớn đối với công tác dự báo, cảnh báo thiên tai cũng như công tác chủ động đối phó của các cấp, các ngành, các địa phương.

Để công tác hộ đê, phòng chống lũ, bão bảo đảm an toàn hệ thống đê điều trong thời gian trước mắt và lâu dài, bên cạnh việc tăng cường đầu tư củng cố, tu bổ đê điều, xóa dần đi các trọng điểm xung yếu, từng bước nâng cấp hệ thống đê theo yêu cầu phòng, chống lũ, bão, các địa phương, các cấp, các ngành cần nhanh chóng khắc phục các mặt còn yếu kém, khiếm khuyết, đặc biệt là tránh tư tưởng chủ quan, lơ là trước các hiểm họa thiên tai như mưa, lũ, bão. Theo đó cần thực hiện tốt một số giải pháp:

Một là, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương, các cơ quan thông tấn, báo chí và nhân dân, nhất là lực lượng quản lý đê điều và phòng chống thiên tai về thực trạng hệ thống đê điều, những mặt còn tồn tại và yếu kém trong công tác hộ đê, phòng chống lụt bão trước hiểm họa thiên tai ngày một khắc nghiệt, khó lường.

Hai là, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo mưa, lũ để chủ động trong công tác chỉ đạo vận hành hệ thống hồ chứa cắt lũ đảm bảo an toàn cho đê điều vùng hạ du. Các nhà máy thủy điện lớn phải đảm bảo yêu cầu an toàn công trình hồ chứa lên hàng đầu; đảm bảo hài hòa giữa lợi ích phát điện với việc cắt lũ, xả lũ, thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai khi xảy ra các đợt mưa, lũ lớn.

Ba là, hạn chế việc lấn chiếm không gian thoát lũ, chứa lũ. Tăng cường công tác kiểm tra trên các tuyến đê kè, lòng sông, bãi sông để phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, dứt điểm các vi phạm nhằm bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều và thông thoáng lòng dẫn.

Bốn là, củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống đê đáp ứng được yêu cầu chịu được lũ lớn, dài ngày. Trước mắt cần nhanh chóng xóa đi những trọng điểm xung yếu về đê, kè, cống, không để xảy ra vỡ đê đột ngột.

Như vậy, có thể thấy từ thực trạng của hệ thống đê điều của Việt Nam và tình hình thiên tai ngày càng cực đoan, khắc nghiệt, nguy cơ mất an toàn đê điều là hiện hữu. Để tránh hiểm họa vỡ đê xảy ra bất ngờ, cùng với việc tiếp tục đầu tư củng cố, nâng cấp, dần xóa bỏ các trọng điểm xung yếu thì rõ ràng cần phải tránh tư tưởng chủ quan, lơ là và công tác hộ đê, phòng lụt là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương và toàn thể nhân dân.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước