Dự án cải tạo nâng cấp tuyến đê tả sông Đáy thuộc huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định đã được khởi công cách đây 5 năm và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm sau. Trong quá trình triển khai dự án này, người dân địa phương đã phát hiện ra nhiều điểm bất thường trong việc quản lý đá hộc dự trữ, dự phòng khi có sự cố vỡ đê. Sự việc được nhiều người dân quan tâm, bởi thời điểm này đang là cao điểm mùa mưa bão.
Dự án này có tổng mức đầu tư là hơn 400 tỷ đồng với chiều dài 22km đê. Công ty CP xây dựng hạ tầng Đại Phong là nhà thầu thi công. Trong quá trình triển khai dự án, đơn vị thi công sẽ phải thực hiện việc di dời khoảng 2.000 khối đá hộc dự phòng từ vị trí cũ sang vị trí mới. Và đây là khu vực tập kết hơn 1.000 khối đá hộc dự trữ, được xếp chạy dọc theo đê. Nhưng theo người dân địa phương, đống đá này chỉ có vỏ là đá còn ruột là toàn đất. Do vậy, khối lượng thực của những đống đá này hiện là một ẩn số.
Khi được hỏi về việc xếp đá dự trữ như hiện nay có phù hợp với quy định hay không và vì sao lại phải xếp theo kiểu "vỏ là đá - ruột là đất" thì các bên liên quan đã đưa ra những lý giải theo cách riêng của mình.
Luật đê điều đã quy định rất rõ về các hành vi bị cấm liên quan đến đất đá dự trữ phục vụ cho công tác phòng chống lụt bão và bảo vệ đê điều. Nhưng đá dự trữ được xếp như hiện nay thì thật khó để xác định chính xác khối lượng thật và khi xảy ra sự cố, sẽ không có đủ số lượng đá dự phòng để ứng phó. Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, thời gian qua, những quan ngại của người dân về sự an toàn của tuyến đê xung yếu này hoàn toàn có cơ sở và cần được quan tâm làm rõ.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!