Mùa xuân là mùa của lễ hội. Vào dịp này, người dân lại tìm đến với các lễ hội, các hình thức tín ngưỡng để gửi gắm những mong ước về sự bình an, sức khỏe, tài lộc. Đây là nhu cầu rất chính đáng và là nét văn hóa đẹp đầu năm mới. Tuy nhiên, điều đáng buồn là xã hội càng phát triển lại xuất hiện nhiều hơn những hành vi đáng phê phán trong hoạt động này.
Lối sống thực dụng cùng tư tưởng cầu may đã khiến nhiều lễ hội không còn giữ được nét nguyên bản vốn có. Như tại lễ hội bắt ông Cầu ở Phú Thọ, thay vì tái hiện một sự kiện thời vua Hùng, lễ hội giờ trở thành cuộc rượt đuổi bắt lợn, nhổ lông lợn để cầu may, hay lễ hội Đúc Bụt ở Vĩnh Phúc, nam thanh nữ tú, quý ông, quý bà giành giật manh chiếu, cố nhổ lấy vài sợi để có tài lộc và sinh con trai.
Tờ Gia đình và xã hội dẫn lời chuyên gia nhận định, một thực trạng đáng buồn khi nhiều người đi chùa nhưng lại không hiểu về sự tích ngôi chùa đó, về sự linh thiêng nơi mình đang đến mà chạy theo hiệu ứng đám đông. Điều tệ hơn là hình ảnh đám đông chen lấn xô đẩy, nhét tiền lẻ vào tượng Phật, đánh bóng chùa bằng tiền giấy, cướp lộc, cướp chỗ cúng.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, không ít người không thực sự hiểu bản chất của lễ hội là gì và chính vì vậy, lễ hội đã trở thành cái mỏ để các đối tượng trục lợi kiếm bộn tiền. Tờ Tuổi trẻ cho rằng khi hành vi tín ngưỡng lệch chuẩn được dung dưỡng, vì nhận thức, hoặc vụ lợi, sẽ trở thành "niềm tin", "truyền thống" trong số đông, rất khó để thay đổi, dẫn đến hiệu ứng xã hội tiêu cực và hậu quả rất khó lường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!