Nhìn lại kỳ họp thứ 3, QH khóa XIV: Phát triển du lịch tiếp tục làm nóng nghị trường chất vấn

VTV News-Thứ ba, ngày 27/06/2017 14:00 GMT+7

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện (Ảnh: VTV News)

VTV.vn - Vấn đề phát triển du lịch thu hút sự tham gia đặt câu hỏi và tranh luận của nhiều đại biểu với Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện.

LTS. Sau một tháng làm việc với tinh thần nghiêm túc và trách nhiệm, sáng 21/6, tại Hội trường Diên Hồng, Quốc hội khóa XIV đã tiến hành bế mạc Kỳ họp thứ 3 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã hoàn thành chương trình làm việc với nhiều nội dung quan trọng. Với tinh thần đổi mới, đoàn kết, sáng tạo, hành động, các vị đại biểu Quốc hội đã tích cực thảo luận, tranh luận, đóng góp nhiều ý kiến trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Sau kì họp thứ 3, các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp xúc cử tri để báo cáo về kết quả của kì họp. VTV News xin điểm lại một số vấn đề nóng thu hút nhiều đại biểu tham gia hỏi và tranh luận trong các phiên chất vấn ngày 13-15/6.

Với khoảng 10 triệu lượt khách quốc tế cùng 62 triệu lượt khách nội địa, du lịch được xem là một trong những ngành có tốc độ phát triển "nóng" nhất tại nước ta trong năm 2016.

Hướng tới mục tiêu của một ngành du lịch phát triển bền vững và hiệu quả, tại phiên chất vất trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu đã tham gia đặt câu hỏi và tranh luận với Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện về hàng loạt vấn đề: Từ quản lý hướng dẫn viên, tour du lịch 0 đồng, năng lực cạnh tranh, chất lượng nguồn nhân lực cho đến một chiến lược phát triển tổng thể...

Nhìn lại kỳ họp thứ 3, QH khóa XIV: Phát triển du lịch tiếp tục làm nóng nghị trường chất vấn - Ảnh 1.

Bộ Trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã có phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội trong 2 ngày 13,14/6 vừa qua (Ảnh: baochinhphu.vn)

Trong số rất nhiều câu hỏi liên quan đến du lịch Việt Nam gửi đến Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện, một nội dung rất đáng chú là phần chất vấn của đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh).

"Tại kỳ họp cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII có đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh về giải pháp phát triển du lịch Việt Nam. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã trả lời và nhắc tới câu hỏi hỏi bao giờ thì du lịch Việt Nam phát triển như Thái Lan và Malaysia, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nói tôi bỏ ngỏ câu hỏi này và sẽ truyền đạt lại cho Bộ trưởng kế tiếp trả lời.

Hôm nay, trong cương vị Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, Bộ trưởng đã có thể trả lời câu hỏi này được chưa, và giải pháp nào để phát triển du lịch Việt Nam như các nước và đưa du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020", đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết đến năm 2016, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam vào khoảng 10 triệu khách. Trong khi Thái Lan là 32 triệu khách, Malaysia khoảng hơn 26 triệu khách, Singapore khoảng 16 triệu khách và Indonesia khoảng 12 triệu khách. Với Philipines rơi khoảng dưới 6 triệu khách, Campuchia 5 triệu khách và Lào 4 triệu khách…

Như vậy, khoảng cách khách du lịch quốc tế đến nước ta và Thái Lan, Malaysia còn khá xa. Chúng ta mới bằng khoảng 1/3 của Thái Lan. Tuy nhiên, năm 2016/2017, chúng ta có một tín hiệu rất mừng là tốc độ tăng trưởng ngành du lịch tăng khoảng gần 30%. Cụ thể, năm 2016 là 27% và năm 2017 dự kiến là 30%.

Giả sử ngành du lịch Việt Nam trong những năm tới tăng khoảng 20 đến 25%, ngành du lịch Thái Lan tăng khoảng 7% như hiện nay, rất khó để tăng cao nữa vì đến mức nào đó sẽ bão hòa. Chúng ta sẽ gặp nhau với Thái Lan sau 15 năm nữa, tức là điểm sẽ gặp nhau giữa hai ngành du lịch của hai nước sau 15 năm.

Video toàn văn phần trả lời câu hỏi của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện về câu hỏi du lịch Việt Nam khi nào phát triển bằng Thái Lan

Cũng trong phần chất vấn của mình, đại biểu Đỗ Thị Lan đã đặt câu hỏi liên quan đến Tour du lịch 0 đồng làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động và hình ảnh du lịch Việt Nam thời gian qua.

"Chúng ta phải khắc phục được những hạn chế, tồn tại của Tour 0 đồng bằng công tác kiểm tra, thanh tra các công tác lữ hành, hướng dẫn viên và đặc biệt là các điểm đến, các cơ sở dịch vụ mà các công ty lữ hành có thể lấy nguồn bù đắp lại chi phí cho Tour 0 đồng. Vấn đề này tôi cũng đã có trả lời khi làm Luật Du lịch và sắp tới trong luật sẽ thể hiện điều này", Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời câu hỏi liên quan đến Tour du lịch 0 đồng của đại biểu Đỗ Thị Lan.

Liên quan trực tiếp đến chất lượng và cũng là nhân tố ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch, đại biểu Nguyễn Chí Tài (Thừa Thiên Huế) đã chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện về thực trạng cũng như giải pháp phát triển nguồn nhân lực để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới.

Trả lời câu hỏi này Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã thẳng thắn nhìn trực tiếp vào vấn đề khi cho biết, nguồn nhân lực của ngành đang thiếu về chất lượng cũng như số lượng. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định nguồn nhân lực là một trong những vấn đề rất cấp bách hiện nay đối với du lịch Việt Nam. Và đây cũng là một trong những hạn chế về năng lực cạnh tranh của du lịch nước ta.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng đưa ra một thống kê rất đáng chú là hiện nay nước ta không có một trường đại học nào về du lịch như các nước khác, mà chỉ có Khoa du lịch trong các trường đại học như trường Đại học Kinh tế, Đại học Bách khoa, Đại học Văn hóa... Đây là một bất cập lớn trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch Việt Nam.

Video toàn văn phần trả lời câu hỏi của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện về vấn đề phát triển nguồn nhân lực cho du lịch của đại biểu Nguyễn Chí Tài (Thừa Thiên Huế)

Tiếp tục chủ đề liên quan đến nguồn nhân lực, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đã đề cập tới vấn đề hướng dẫn viên du lịch "chui". Theo đại biểu Phương, tình trạng hướng dẫn viên du lịch "chui" đã làm xói mòn vẻ đẹp và nét văn hóa du lịch Việt Nam, đồng thời làm giảm nguồn thu ngân sách của đất nước.

Trước khi trả lời phần chất vấn này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã thừa nhận hướng dẫn viên du lịch "chui" đang là một hạn chế, tồn tại của ngành.

Ngoài những nguyên nhân như khách du lịch tăng đột biến trong các mùa cao điểm, khung xử phạt chưa thực sự đủ răn đe… Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã nêu ra một thực trạng hết sức đáng chú ý là sự mất cân đối rất lớn về ngôn ngữ tại một số thị trường khách ngôn ngữ hiếm.

Cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết hiện nay cả nước có 18.960 hướng dẫn viên du lịch. Trong đó có hơn 11.000 hướng dẫn viên cho khách quốc tế và gần 8.000 hướng dẫn viên cho khách nội địa.

So với lượng khách trên 10 triệu quốc tế và 62 triệu lượt nội địa, số lượng này đã đủ, song đang xảy ra tình trạng mất cân đối rất lớn về ngôn ngữ. Có nhiều thị trường gần như khi khách vào không có hướng dẫn viên, từ đó dẫn đến tình trạng công tác lữ hành của chúng ta thiếu hụt hướng dẫn viên cục bộ. Và đây là một trong những lý do khiến hướng dẫn viên "chui" ra đời.

Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã đưa ra hàng loạt giải pháp: Từ việc quản lý chặt chẽ hơn và công khai việc cấp thẻ hướng dẫn viên. Ngoài ra, Bộ VHTT&DL sẽ phạt nặng các công ty lữ hành sử dụng hướng dẫn viên "chui", cùng với đó là các giải pháp về phát triển nguồn nhân lực.

Video toàn văn phần trả lời câu hỏi của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện về vấn đề hướng dẫn viên du lịch chui của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình)

Đi sâu hơn trong vấn đề chất lượng dịch vụ, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) đã đề cập tới nội dung dịch vụ y tế cho khách du lịch quốc tế. Cụ thể, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn đã đặt câu hỏi liên quan đến bảo hiểm y tế tạm thời cũng như các dịch vụ y tế cho các du khách trong thời gian lưu trú tại Việt Nam.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết trong năm 2016, du lịch Việt Nam đã đón khoảng 10 triệu du khách quốc tế. Trong 5 tháng đầu năm nay, nước ta đã đón hơn 5,3 triệu khách, tăng trên khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Cho nên vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn và các vấn đề liên quan đến lưu trú, lữ hành đang được Ngành du lịch đặc biệt quan tâm.

Với các dịch vụ y tế, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết đã nhiều lần trao đổi, bàn bạc với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến để sớm có thể đưa ra các giải pháp về bệnh viện hoặc trung tâm dịch vụ y tế phục vụ khách du lịch.

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng cho biết y tế cũng được xem là dịch vụ tiềm năng có thể giúp thu ngoại tệ rất lớn, giống như nhiều nước Singapore hay Thái Lan… đã thành công khi triển khai hình thức này.

Video toàn văn phần trả lời câu hỏi của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện về vấn đề xoay quanh dịch vụ y tế cho khách du lịch khi lưu trú tại Việt Nam của đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội)

Tổng thể hơn, đại biểu Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng) đã chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện về nội dung, giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng), Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết trong tháng 4/2017 tại Diễn đàn kinh tế thế giới có ban hành một văn bản liên quan đến năng lực cạnh tranh toàn cầu, trong đó có năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Theo báo cáo này, năm 2017 du lịch Việt Nam đứng thứ 67, tức tăng 8 bậc so với năm 2015 (báo cáo đưa ra 2 năm/lần).

"Có thể nói nhiều chỉ số của chúng ta đạt rất tốt như tài nguyên, văn hóa đứng thứ 30, thiên nhiên đứng thứ 32 và an ninh, an toàn của chúng ta cũng khá tốt. Tuy nhiên, có nhiều chỉ số của chúng ta đạt thấp, trong đó có chỉ số liên quan đến phát triển bền vững, đứng trên 120. Sự quan tâm của Nhà nước, liên quan đến độ mở quốc tế của chúng ta cũng là thấp. Nhưng du lịch Việt Nam trong năm 2017 đã có những bước tiến và chính nhờ vậy mà chúng ta đã đạt được một số kết quả trong phát triển du lịch như thời gian vừa qua", Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết thêm.

Nhìn lại kỳ họp thứ 3, QH khóa XIV: Phát triển du lịch tiếp tục làm nóng nghị trường chất vấn - Ảnh 6.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết so với năm 2015, năng lực cạnh tranh hiện nay của du lịch Việt Nam đã tăng đến 8

Cũng liên quan đến vấn đề vĩ mô trong phát triển du lịch, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện về quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Đại biểu Nguyễn Thị Phúc cho biết theo báo cáo của Bộ VHTT&DL, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ hiện nay Bộ đang giao cho Tổng cục Du lịch xây dựng. Theo đại biểu Nguyễn Thị Phúc như vậy là quá chậm, làm ảnh hưởng đến việc xây dựng chiến lược quy hoạch phát triển du lịch của các địa phương trong vùng.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 2350 ngày 24/12/2014 phạm vi điều chỉnh là từ thành phố Đà Nẵng đến Bình Thuận.

Tiếp tục chủ đề phát triển du lịch vùng đại biểu Huỳnh Cao Nhất (Bình Định) đã đặt ra vấn đề là giải pháp nào để Bộ trưởng là "nhạc trưởng" trong liên kết phát triển vùng?

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết Bộ VHTT&DL đang triển khai thực hiện các nội dung như: Xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch các vùng, xây dựng đề án phát triển sản phẩm du lịch các vùng, hướng dẫn hỗ trợ thành lập cơ chế liên vùng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ trong hoạt động xúc tiến du lịch.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước