Bộ trưởng Bộ VHTT&DL: Phạt nặng công ty lữ hành dùng hướng dẫn viên du lịch "chui"

Báo điện tử VTV News-Thứ ba, ngày 13/06/2017 17:39 GMT+7

VTV.vn - Hướng dẫn viên du lịch "chui" là vấn đề đầu tiên được các đại biểu quốc hội đề cập trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ VHTT&DL tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.

Chiều nay (13/6), mở đầu phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đã đề cập tới vấn đề hướng dẫn viên du lịch "chui". Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, hướng dẫn viên du lịch "chui" đã làm xói mòn vẻ đẹp, nét văn hóa của du lịch Việt Nam, đồng thời làm giảm nguồn thu ngân sách của đất nước.

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL: Phạt nặng công ty lữ hành dùng hướng dẫn viên du lịch chui - Ảnh 1.

Chiều nay (13/6), Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn trước Quốc hội

Trả lời cho vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, thời gian qua, ngành du lịch có những tiến bộ song cũng còn tồn tại nhiều hạn chế, trong đó, việc quản lý các hướng dẫn viên du lịch là một hạn chế tồn tại.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, tình trạng hướng dẫn viên du lịch "chui" (hướng dẫn viên du lịch không được cấp thẻ) đang xảy ra ở nhiều thành phố như Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Ninh... Đặc biệt, tình trạng này nở rộ vào thời gian cao điểm của mùa du lịch, khi mà lượng khách tại một số nước như Trung Quốc, Nga... tăng đột biến. Tình trạng hướng dẫn viên du lịch "chui" còn diễn ra tại một số thị trường có khách sử dụng ngôn ngữ hiếm.

Hiện nay, cả nước có 18.960 hướng dẫn viên du lịch, trong đó có hơn 11.000 hướng dẫn viên cho du khách quốc tế và gần 8.000 hướng dẫn viên cho thị trường du lịch nội địa. Với lượng khách quốc tế trên 10 triệu người và 62 triệu khách nội địa như hiện nay, số lượng hướng dẫn viên này là đủ. Tuy nhiên, hướng dẫn viên du lịch hiện tại lại đang mất cân đối rất lớn về ngôn ngữ, có nhiều thị trường khi du khách vào không có hướng dẫn viên ngôn ngữ, dẫn đến hiện tượng thiếu hụt hướng dẫn viên cục bộ.

Để xử lý tình trạng hướng dẫn viên du lịch "chui", thời gian tới, Bộ VHTT&DL sẽ quản lý chặt chẽ hơn việc cấp thẻ hướng dẫn viên, công khai danh sách hướng dẫn viên được cấp thẻ; ban hành các văn bản chấn chỉnh hoạt động kinh doanh lữ hành, du lịch trên toàn quốc; phạt nặng các công ty lữ hành sử dụng hướng dẫn viên không phép hoặc hoạt động chui.

Ngoài ra, Bộ VHTT&DL cũng tập trung đào tạo, cấp thẻ hướng dẫn viên, bổ sung hướng dẫn viên cho những điểm đến có khách du lịch tăng cao; tăng cường sử dụng hướng dẫn viên ở các địa phương khác đến làm việc; phát triển đội ngũ thuyết minh viên, hướng dẫn viên tại địa phương để phối hợp hướng dẫn viên.

Cùng với đó, để khắc phục tình trạng này, trong Luật Du lịch sửa đổi, Bộ VHTT&DL có đề nghị đưa vào tiêu chuẩn hướng dẫn viên, hy vọng được Quốc hội chấp nhận, thông qua đó, góp phần cải thiện tình trạng thiếu hụt hướng dẫn viên.

Vấn đề bảo tồn các di tích lịch sử và nghệ thuật truyền thống

Ngoài vấn đề kiểm soát tình trạng hướng dẫn viên du lịch "chui", đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cũng đã chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện về việc bảo tồn các di tích lịch sử cũng như nghệ thuật truyền thống.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, hiện cả nước có khoảng hơn 40.000 di tích được kiểm kê, trong đó, có 3.300 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, gần 10.000 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Hầu hết các di tích này tồn tại trong môi trường nhiệt đới nóng ẩm, nhiều côn trùng, mối mọt phá hoại dẫn đến tình trạng xuống cấp.

Trong bối cảnh đó, từ giai đoạn 2011 - 2015, nước ta đã thực hiện Chương trình quốc gia mục tiêu về văn hóa, trong đó có Chương trình trùng tu và bảo tồn di tích. Dù nguồn lực đầu tư không quá nhiều, song chương trình cũng đã giúp ích nhiều cho công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích, đặc biệt là các di sản văn hóa.

Từ năm 2016, sẽ không còn Chương trình quốc gia mục tiêu về văn hóa mà chỉ còn Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa. Chương trình này sẽ không có một nguồn vốn tập trung để đầu tư đồng bộ, mà giao về cho các địa phương, trong đó, ưu tiên cho những địa phương nào gặp khó khăn về nguồn lực đầu tư hay cho các di sản văn hóa đặc biệt. Với Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa, công tác trùng tu, tôn tạo di tích tập trung từ Trung ương sẽ được phân bổ cho các địa phương.

Tuy nhiên, ngoài ngân sách Nhà nước, vấn đề quan trọng hiện nay là việc tiến hành xã hội hóa, huy động các nguồn lực của xã hội, đặc biệt là của các doanh nghiệp trong trùng tu tôn tạo, di tích, phải gắn giữa bảo tồn, tôn tạo với khai thác.

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL: Phạt nặng công ty lữ hành dùng hướng dẫn viên du lịch chui - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã trình bày rất kỹ về vấn đề bảo tồn di tích và nghệ thuật truyền thống

Các loại hình nghệ thuật truyền thống hiện đang rất phong phú và đa dạng như: Tuồng, chèo, cải lương, múa rối, quan họ, dân ca Nam Bộ... Vì vậy, việc bảo tồn các loại hình nghệ thuật này là một trách nhiệm rất lớn lao.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, hiện nay các loại hình này gặp nhiều khó khăn vì khán giả ít đến để thưởng thức. Nguồn thu từ bán vé và nguồn thu khác từ các loại hình nghệ thuật truyền thống rất thấp khiến đời sống của văn nghệ sỹ gặp nhiều khó khăn.

Trước vấn đề này, Bộ VHTT&DL cũng đã có chủ trương làm thế nào để đưa các loại hình nghệ thuật truyền thống được giới thiệu, quảng bá đến khán giả trên cả nước. Bộ cũng đã tổ chức các hoạt động với Nhà hát Lớn Hà Nội, nhà hát Chèo, nhà hát Cải lương, nhà hát Tuồng... đưa vào diễn các tác phẩm hay nhất để phục vụ khán giả. Điều đáng mừng là khán giả đến với các loại hình nghệ thuật này rất đông, tuy nhiên, kết quả bước đầu này chưa nói lên được điều gì trong thời gian tới. 

Bộ VHTT&DL sẽ cố gắng hơn nữa với việc triển khai nhiều giải pháp để giúp bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống. Ngoài ra, Bộ VHTT&DL cũng rất mong các địa phương dành sự quan tâm nhiều hơn cho các loại hình nghệ thuật truyền thống.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước