Năm 1991, bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Từ đó, sự có mặt của những nhà đầu tư Trung Quốc tại khu vực phía Nam đã góp phần quan trọng phát triển quan hệ kinh tế thương mại giữa 2 nước, với kim ngạch thương mại song phương tăng từ mức 37 triệu USD năm 1991 lên mức hơn 51 tỷ USD trong năm 2016, tức tăng hơn 1.300 lần.
Năm 1995, bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ. Sau đó 3 năm, Văn phòng Thương mại Mỹ đầu tiện tại Việt Nam đã bắt đầu hoạt động tại TP.HCM, đặt tại Khách sạn New World, hấp dẫn đông đảo các doanh nghiệp, doanh nhân Mỹ kéo đến Việt Nam đầu tư.
Năm 1995 cũng là năm Việt Nam gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN, sự kiện ghi dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập khu vực và thế giới của đất nước.
Năm 1998, Việt Nam gia nhập diễn đàn Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương APEC, dấu mốc góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên diễn đàn quốc tế. Công viên phần mềm Quang Trung tại TP.HCM được thành lập sau giai đoạn này đã thu hút nhiều doanh nghiệp công nghệ trong và ngoài nước hoạt động, trong đó có HP và IBM.
Năm 2007, Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Và ngay trong năm 2007, Việt Nam đã thu hút hơn 15 tỷ USD vốn FDI. Hai năm tiếp theo tiếp tục là giai đoạn bùng nổ đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Đặc biệt, TP.HCM khi đó xuất hiện hàng loạt dự án về bất động sản.
Năm 2015, hoàn tất đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP; Việt Nam ký kết Tuyên bố Kuala Lumpur về việc thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).
Cán cân thương mại của Việt Nam trong năm sau đó là 2016 đã thặng dư trở lại với mức xuất siêu 2,68 tỉ USD. Riêng TP.HCM kim ngạch xuất khẩu tăng 10% so với năm 2015, mức tăng được xem là cao nhất trong 4 năm trở lại đây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!