Không thể phủ nhận những thiết bị như công nghệ: điện thoại, máy tính, máy tính xách tay..., nhất là những chiếc điện thoại thông minh, giúp cuộc sống của con người tiện nghi hơn, công việc thuận lợi, và kết nối với nhau dễ dàng hơn. Nhưng mặt trái của nó là khiến con người bị phụ thuộc, thậm chí có những người... nghiện công nghệ. Sống trong thế giới ảo nhiều hơn là trong đời thực.
Một báo cáo mới nhất tại Anh cho thấy 48% người được hỏi cho biết họ đã dành thời gian online còn nhiều hơn cả thời gian để làm việc nhà; 47% đổ lỗi cho việc lướt web quá nhiều khiến họ bị thiếu ngủ và mệt mỏi vào ngày hôm sau; 1/3 cho biết đã bỏ lỡ thời gian bên gia đình hay bạn bè; 60% thanh thiếu niên trốn học ở trường và ¼ đi học muộn do dán mắt vào các thiết bị điện tử.
Những trường hợp này có thể gọi là lạm dụng công nghệ. Tình trạng này kéo theo những hậu quả nghiêm trọng tới mức không ai ngờ tới. Ngoài những hạn chế về mặt giao tiếp xã hội, vì lúc nào cũng dán mắt vào màn hình điện thoại, máy tính... lạm dụng công nghệ còn gây hại nặng nề cho sức khỏe tâm thần của con người.
"Rất nhiều những người bị trầm cảm, bị lo âu. Để tránh chuyện đó người ta vào Internet và mạng xã hội để quên đi những lo lắng buồn phiền. Nhưng thực tế, điều đó làm bệnh lý người ta càng chìm sâu hơn, thay vì tới thầy thuốc để được tư vấn, khám chữa bệnh. Điều này làm bệnh lý trầm trọng hơn" - bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, cho biết.
S* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!