Thực hiện chủ trương đẩy mạnh cải cách hành chính trong Đảng, rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các quy định nhằm tăng cường quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Bộ Chính trị vừa có kết luận về sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định về công tác cán bộ. Theo đó, sẽ áp dụng một quy trình giới thiệu, bổ nhiệm cán bộ mới gồm 5 bước chặt chẽ, phát huy vai trò của tập thể và nâng cao tính công khai minh bạch trong công tác nhân sự.
Quy trình này được kỳ vọng sẽ khắc phục được những hạn chế trong công tác cán bộ như thời gian vừa qua.
Phải nói rằng, cụm từ "bổ nhiệm thần tốc" đang xuất hiện trên các phương tiện truyền thông với tần suất lớn hơn bao giờ hết. Những vị trí hầu hết mọi người đều cho rằng để đảm nhận được ngoài tài năng còn phải có một quá trình dài chứng minh năng lực, có người chỉ cần vài tháng đã được ngồi vào. Thậm chí, có người mới chỉ làm việc có vài chục ngày rồi đi học và được bổ nhiệm trong lúc vẫn học hành ở trời Tây.
Khoan nói về năng lực của những cán bộ này, dư luận có quyền thắc mắc tại sao họ được bổ nhiệm nhanh đến vậy? Họ đã đóng góp những điều lớn lao gì cho tổ chức? Trong hầu hết những vụ bổ nhiệm "gây tai tiếng", khi được yêu cầu báo cáo, người ta đều nói đã làm "đúng quy trình". Nhưng quy trình đó, liệu có được thực hiện khách quan hay không? Hay được sắp đặt theo ý đồ cá nhân của người nào đó.
Có thể kể tới như trường hợp bà Trần Vũ Quỳnh Anh tuy không đủ thời gian đảm nhiệm công việc chuyên môn theo quy định nhưng đã được bổ nhiệm làm phó trưởng phòng, rồi chỉ sau đó 6 tháng tiếp tục được đưa lên làm trưởng phòng quản lý nhà và thị trường bất động sản Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa.
Tương tự là những nghi vấn xung quanh câu chuyện ở Văn phòng đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định. Khi trong vòng thời gian chưa đầy 6 tháng, có một cán bộ từ chủ một doanh nghiệp tư nhân, liên tục được tuyển dụng, bổ nhiệm làm Phó văn phòng rồi Chánh văn phòng cơ quan này.