"Nợ công của Việt Nam trong giới hạn cho phép"

Trung Kiên (Thời sự - thoisuvtv@vtv.vn)-Thứ tư, ngày 29/10/2014 19:22 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp thường kỳ tháng 10. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Đây là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 diễn ra hôm nay (29/10).

Chính phủ đã tiến hành phiên họp thường kỳ tháng 10 để thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, trong đó có tình hình nợ công, khả năng thu chi ngân sách, tình hình giải quyết nợ xấu và tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong cả nước. Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định nợ công của nước ta vẫn đang trong giới hạn cho phép và chính phủ sẽ công khai tình trạng nợ công và chịu trách nhiệm trước nhân dân về vấn đề này.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính cho đến nay, tổng số nợ công của Việt Nam là 475.000 tỷ đồng trong đó vay trong nước là 367.000 tỷ đồng, chiếm hơn 51%. Nếu so với Nghị quyết của Trung ương và Chiến lược quản lý nợ công thì tỷ lệ nợ công hiện nay của Việt Nam vòa khoảng 64% tổng sản phẩm trong nước và đỉnh nợ sẽ rơi vào năm 2016 với tỷ lệ 64,9% so với GDP.

Nhưng từ năm 2017 sẽ giảm dần và đến năm 2020, nợ công sẽ chỉ còn 60,2% GDP. Trong khi đó, theo quy định nợ Chính phủ không được quá 55% GDP, mức hiện tại là 48% và đến năm 2020 tỷ lệ này cũng sẽ được giảm dần. Còn nợ địa phương hiện nay cũng không đáng kể.

Trong khi đó, nợ nước ngoài chiếm gần một nửa tổng nợ công cũng đang ở mức an toàn vì 2/3 trong số này là vay ưu đãi với thời gian dài. Bộ Tài chính khẳng định, Việt Nam hiện nay hoàn toàn có khả năng trả được nợ công vì nghĩa vụ trả nợ hiện nay là khoảng 16% chi ngân sách và sẽ tăng đến 19,5% vào năm 2020, so với giới hạn an toàn là 25% và tỷ lệ này sẽ giảm dần sau năm 2020. Cũng theo Bộ Tài chính, hiện tại 98% tổng số nợ công được chi cho đầu tư phát triển mà nhiều nhất là để thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng cơ sở hạ tầng.

Thảo luận về vấn đề này, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, chi cho trả nợ cũng là chi cho đầu tư phát triển, do vậy, với mục tiêu kiểm soát nợ công như hiện nay nợ công đang ở mức an toàn và gắn với việc trả được nợ. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là sử dụng các khoản đầu tư công để đem lại hiệu quả cao nhất, đồng thời cần cơ cấu lại nợ công, nhất là nợ trong nước để kéo dài thời gian vay nợ hiện nay từ trung bình 4,5 năm lên trên 10 năm, đi cùng với việc giảm lãi suất vạy hiên nay từ trên 7% như hiện nay xuống thấp hơn.

Các thành viên, Chính phủ cũng cho rằng, cơ cấu thu ngân sách của Việt Nam hiện nay đã tiến bộ vì chủ yếu dựa vào thu nội địa, tuy nhiên, quy mô quỹ tiền lương trên tổng chi ngân sách hiện nay là quá lớn chiếm gần 35%. Trong khi đó, trong thời kỳ nền kinh tế gặp khó khăn Nhà nước không cắt bất cứ một khoản chi cho đầu tư xã hội nào mà ngược lại ngân sách nhà nước chi cho con người đã tăng lên gấp 8 lần. Các thành viên Chính phủ cũng cho rằng thu ngân sách hiện vượt dự toán trên 13% đã phản ánh nền kinh tế đang phục hồi, nhưng cơ cấu ngân sách còn chưa hợp lý do chi cho đầu tư xuống quá thấp và chi cho trả nợ đang tăng cao.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định con số nợ công mà Bộ Tài chính báo cao là chính xác, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội và công khai minh bạch con số này trước nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về vấn đề này. Thủ tướng nhấn mạnh, nợ công hiện nay của quốc gia đang trong giới hạn cho phép dưới 65% GDP và theo lộ trình sẽ giảm dần từ năm 2017 trở đi. Hầu hết nợ công hiện nay đều chi cho đầu tư phát triển và những năm qua Chính phủ đều trả nợ đúng hạn, không để nợ xấu và nền kinh tế có thể đảm bảo được khả năng trả nợ từ nay đến năm 2020.

Thủ tướng cũng chỉ rõ, nợ công tăng nhanh và áp lực trả nợ lớn là do kinh tế tăng trưởng thấp nên tỷ lệ thu ngân sách có bị giảm đi, trong khi đó, chi cho con người và chi thường xuyên không giảm mà tăng lên, vì vậy Chính phủ phải phát hành trái phiếu để vay trong nước để cho đầu tư phát triển. Tuy nhiên, do vay ở thời điểm lạm phát cao nên chỉ vay được với thời hạn ngắn và lãi suất lên đến 7,7% do vậy áp lực trả nợ lớn. Do vậy trong thời gian tới Chính phủ sẽ thực hiện nghiêm giới hạn nợ công và tái cơ cấu các khoản nợ trong nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu rõ, qua giai đoạn nền kinh tế gặp khó khăn vừa qua buộc Chính phủ phải tính toán để thay đổi cơ cấu chi nhằm ứng phó với các tình huống đặc biệt. Sau khi Quốc hội cho ý kiến, Chính phủ sẽ cơ cấu lại ngân sách theo hướng lành mạnh bảo đảm được khả năng trả được nợ.

Đối với các khoản nợ nước ngoài bao gồm nợ Chính phủ và nợ Chính phủ bảo lãnh cùng với nợ của doanh nghiệp và các tổ chức khác vay theo hình thức tự vay tự trả, Thủ tướng nhấn mạnh chỉ số này hiện nay đang không lành mạnh, tuy không lớn, nhưng phải kiểm soát. Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước kiểm soát để chỉ số nghĩa vụ trả nợ quốc gia không vượt quá 25% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Thủ tướng cho biết sẽ ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về kiểm soát nợ công và nợ nước ngoài.

Liên quan đến xử lý nợ xấu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đây là vấn đề đã được Chính phủ thảo luận nhiều, ngay từ đầu năm Chính phủ đã thực hiện quyết liệt chủ trương tái cơ cấu ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu. Trên cơ sở này, Chính phủ đặt ra mục tiêu năm 2015 tỷ lệ nợ xấu chỉ còn 3%. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nếu như cách đây hơn 3 năm, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng là 17% với khoảng 464.000 tỷ đồng. Đến nay đã xử lý được 252.000 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa tổng số nợ xấu. Nhờ đó, đến nay tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng là 5,43% và sau 6 năm nữa sẽ là 3% theo đúng với mục tiêu đã đề ra và đây là mức bình thường.

Đối việc xử lý nợ xấu, do đặc thù nên Việt Nam không dùng ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu, do vậy, những ngân hàng thương mại bán nợ xấu sẽ được nhận một loại trái phiếu đặc biệt và được dùng để vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước.

Hiện nay, công ty quán lý nợ của các tổ chức tín dụng đã bán được 4.000 tỷ đồng nợ xấu và phấn đấu đến hết năm nay sẽ mua được từ 130.000 – 150.000 tỷ đồng nợ xấu. Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, các tổ chức tài chính quốc tế đang rất quan tâm đến việc đầu tư vào các khoản nợ xấu và trong tháng sau Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định để thay đổi hành lang pháp lý cho việc giải quyết nợ xấu.

Đề cập đến tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và từ đầu năm đến nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, muc tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay là 5,8% có thể đạt được và nhiều khả năng có thể cao hơn; lạm phát được kiểm soát thấp hơn chỉ tiêu đề ra, khoảng 4%; đảm bảo các cân đối lớn, trong đó có cân đối thu chi ngân sách. Kết quả này tạo nền tảng để nền kinh tế đạt mức tăng trưởng cao hơn trong năm sau với mục tiêu tăng trưởng GDP trình Quốc hội là 6,2%, bảo đảm thực hiện mục tiêu đã đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015.

Đối chiếu với Nghị quyết Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội là tập trung kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng hợp lý, trong 3 năm qua, Chính phủ đã bám sát mục tiêu tổng quát này trong quá trình chỉ đạo, điều hành và đến thời điểm này, cơ bản đã đảm bảo các định hướng và mục tiêu đề ra.

Trong những tháng cuối năm, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế; tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, tăng cường phối hợp, thực hiện có kết quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu đề ra cho năm 2014 cũng như chuẩn bị tiền đề, điều kiện cho tăng trưởng cao hơn, bền vững hơn trong năm 2015 và những năm tiếp theo.

Cũng tại phiên họp này, Chính phủ cũng đã nghe, thảo luận về Dự thảo Nghị định của Chính phủ về chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số gắn với bảo vệ rừng; Dự thảo Nghị định của Chính phủ về dịch vụ sự nghiệp công và cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập và Báo cáo của Bộ Nội vụ về Đề án mô hình chính quyền địa phương.

Mời quý vị theo dõi các ghi nhận của PV VTV qua video sau

 

Từ khóa:

chính phủ

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước