Phải công khai với toàn dân về tình hình nợ công

Trung Kiên (Thời sự - thoisuvtv@vtv.vn)-Thứ tư, ngày 29/10/2014 12:56 GMT+7

Một phiên họp thường kỳ của Chính phủ. (Ảnh: VGP)

Đó là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Bộ Tài chính về vấn đề nợ công trong phiên họp thường kỳ tháng 10 của Chính phủ.

Sáng nay (29/10), Chính phủ đã bắt đầu phiên họp thường kỳ tháng 10 để thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, nhất là tình hình nợ công, khả năng thu chi ngân sách, tình hình giải quyết nợ xấu và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong cả nước.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các thành viên Chính phủ bên cạnh việc phân tích tình hình kinh tế-xã hội cần tập trung làm rõ một số vấn đề nổi lên như: nợ công và cơ cấu thu chi ngân sách; nợ xấu và giải pháp kiểm soát để đạt được mục tiêu đến năm 2015 nợ xấu chỉ còn 3%, đi cùng với các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Về vấn đề nợ công, Thủ tướng cho rằng mặc dù các báo cáo của Chính phủ đều nhận xét nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, nhưng lại chưa làm rõ sự chủ động, bị động và nguyên nhân tăng nợ công. Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ phải làm rõ hai nội dung quan trọng: tính hiệu quả trong sử dụng các nguồn vốn vay và khả năng trả nợ đi đôi với thực hiện mục tiêu kiểm soát nợ công trong những năm tiếp theo.

Cùng với nợ công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các thành viên Chính phủ phân tích thêm về thu, chi ngân sách, tập trung làm rõ cơ cấu chi, trong đó có chi thường xuyên, đầu tư từ ngân sách và chi cho trả nợ và viện trợ; làm rõ mặt tích cực, hạn chế, từ đó đề ra giải pháp, lộ trình mục tiêu để điều chỉnh cơ cấu chi ngân sách hợp lý hơn trong thời gian tới. Thủ tướng nhấn mạnh hiện tại tỷ lệ nợ cũng như khả năng trả nợ của nền kinh tế đều đang trong mức an toàn.

98% nợ công của Việt Nam hiện nay là để xây dựng hệ thống giao thông. Nếu hệ thống giao thông không được đầu tư mạnh mẽ như gần đây thì chắc chắn sẽ không thu hút được các nguồn vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

Từ khẳng định của Bộ trưởng Tài chính về tình hình nợ công hiện nay đang ở mức an toàn, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính phải công khai với toàn dân về tình hình nợ công cùng với khả năng trả nợ và Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm trước nhân dân về vấn đề này.

Liên quan đến xử lý nợ xấu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng đây là vấn đề đã được Chính phủ thảo luận nhiều. Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã thực hiện quyết liệt chủ trương tái cơ cấu ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu. Trên cơ sở này, Chính phủ đặt ra mục tiêu năm 2015 tỷ lệ nợ xấu chỉ còn 3%.

Tại phiên họp, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ làm rõ tiêu chí để tính tỷ lệ nợ xấu, từ đó kiến nghị giải pháp, lộ trình thực hiện một cách vững chắc mục tiêu này.

Một vấn đề nổi lên thời gian qua là tình hình sản xuất kinh doanh còn khó khăn, số lượng doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động còn lớn. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ và Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam báo cáo cụ thể tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong 10 tháng qua, gắn với những khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp phải đối mặt trong thời gian tới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng trong nền kinh tế thị trường, việc các doanh nghiệp giải thể, phá sản để tái cơ cấu góp phần cho nền kinh tế hoạt động hiểu quả hơn là quy luật tất yếu. Tuy nhiên, Chính phủ cần làm rõ tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động so với các doanh nghiệp thành lập mới và như thế nào là ở mức bình thường? Từ đó, đề ra hướng điều hành trong những tháng tiếp theo góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước