Theo ghi nhận của phóng viên VTV, người dân phường Phương Nam (thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) không phải đi đâu xa để khám, chữa bệnh do trạm y tế phường có máy siêu âm, xét nghiệm nước tiểu, sinh hóa…, những thiết bị vốn chỉ có từ cơ sở y tế tuyến huyện trở lên. Nhờ đó, hơn 400 trường hợp tăng huyết áp, đái tháo đường trong phường đã được phát hiện, điều trị và theo dõi tại chỗ. Số lượt khám chữa bệnh tại cơ sở chỉ có 6 y, bác sĩ này đã tăng từ 8.000 - 11.000 lượt trong 2 năm qua.
Không chỉ riêng tại trạm y tế phường Phương Nam, sự quá tải tới 200% công suất như hiện nay với một bệnh viện huyện miền núi như Cẩm Khê là một sự thay đổi mạnh mẽ. Theo đó, những kỹ thuật, trang thiết bị tiên tiến của tuyến tỉnh và Trung ương như: chạy thận nhân tạo, siêu âm 4D, cấp cứu thở máy, phẫu thuật nội soi, chấn thương chỉnh hình … đã được chuyển giao thành công tại đây. Tỷ lệ chuyển tuyến đã giảm từ 50% xuống chỉ còn dưới 5% nhờ có một định hướng đúng là tập trung đào tạo, thu hút bác sĩ giỏi. Hiếm có bệnh viện tuyến huyện nào có tới 50 bác sĩ có thể triển khai từ 10 - 15 kỹ thuật mới hàng năm như bệnh viện Cẩm Khê.
Y tế cơ sở được coi là xương sống của hệ thống y tế quốc gia vì đây là tuyến gần dân nhất. Trong 5 năm qua, gần 70.000 tỷ đồng đã được đầu tư cho hệ thống y tế, trong đó hơn 32.000 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ; hạ tầng y tế được đầu tư đúng và hiệu quả, đạt tỷ lệ 31,4 giường bệnh/10.000 dân. Tuy nhiên, để y tế cơ sở đảm bảo bền vững, yếu tố quyết định là đội ngũ bác sĩ công tác và ổn định ở tuyến huyện, thậm chí tuyến xã. Hiện Bộ Y tế đã đề nghị với Trung ương và Chính phủ tới đây sẽ ra một nghị quyết về tăng cường cho y tế cơ sở, trong đó tập trung vào cơ chế đào tạo, thu hút nhân lực về tuyến dưới.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.