Mỗi năm, ĐBSCL mất đi trên 300ha đất do sạt lở bờ sông, bờ biển và nước biển dâng. Biến đổi khí hậu đang khiến cho mảnh đất trù phú này bị thu hẹp dần diện tích khi đang có tới gần 570 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài lên tới hơn 830km.
Tuyến đê biển Tây huyện Trần Văn Thời, Cà Mau được xây dựng 2 năm qua đã giúp cho hàng chục km bờ biển thoát khỏi cảnh sạt lở nhiều năm nay.
Từ 2010 đến nay, chính phủ đã đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển. Nỗ lực áp dụng khoa học, kỹ thuật công nghệ mới đã làm giảm sự lấn sâu của biển vào phía đất liền. Tuy vậy, cả bờ sông, bờ biển, hiện vẫn còn 57 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm nhưng thách thức lớn nhất vẫn là nguồn vốn.
Riêng 92km sạt lở bờ biển phía Đông, hiện mới chỉ bố trí đủ nguồn vốn thực hiện được gần 50%, còn thiếu trên 1.600 tỷ đồng để xử lý. Bờ biển Tây đã hoàn thành và bố trí nguồn vốn xử lý được 51km, còn lại 7km thiếu kinh phí khoảng 159 tỷ đồng.
3 giải pháp kè biển đang được áp dụng ở tuyến đê biển Tây, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau. Những đoạn kè thi công mới áp dụng công nghệ và vật liệu thân thiện với môi trường đã giảm suất đầu tư từ 35-40 tỷ đồng/km xuống còn 18 - 20 tỷ đồng/km. Hầu hết sau 1-2 năm, rừng cây ngập mặn, hệ sinh thái đã phát triển trở lại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!