Cả hai nhà máy đường trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã kết thúc vụ ép năm 2017. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn khoảng 1.000 tấn mía của nông dân ở thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, còn nằm phơi mưa nắng trên ruộng. Nguyên nhân của tình trạng này là do chủ mía đã không thu mua với nhà máy. Điều này đặt ra bài học về việc ký và tuân thủ hợp đồng liên kết, giữa nhà máy và nhà nông.
Mấy ngày nay, ông Phạm Đình Dũng, một người trồng mía tại xã Ninh Tân, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa đứng ngồi không yên vì gần 1.000 tấn mía trị giá khoảng 1 tỷ đồng đang nằm ruộng vì các nhà máy đã kết thúc vụ ép, trong đó có 15ha mía đứng, ước tính khoảng 750 tấn và khoảng 200 tấn đã chặt cách đây 10 ngày, đang trong quá trình hư hỏng. Không bán được mía cho các nhà máy trong tỉnh, ông Dũng đành phải chở mía vào tận Tây Ninh để bán với giá không đủ bù chi.
Nguyên nhân nhà máy đường Khánh Hòa không mua mía của ông Dũng là do mã ruộng này không được ký hợp đồng tiêu thụ với nhà máy. Việc này xuất phát từ việc ông Dũng không trực tiếp ký hợp đồng mà lại qua một người đứng tên đầu tư khác là ông Phan Lữ Phụng Hiếu. Chính sự lòng vòng này nên ông Dũng rất bị động không biết mía của mình có được bao tiêu hay không. Đến khi biết được nhà máy không thu mua, ông đã không trở tay kịp vì đã cuối vụ. Các nhà máy trong khu vực cũng đã kết thúc vụ ép.
Việc nhà máy không thu mua mía ngoài vùng đăng ký là hợp lý. Do đó, ông Dũng phải tự xử lý số mía lên đến hàng ngàn tấn. Do đó, vụ mía này ông bị thua lỗ hàng trăm triệu đồng là điều chắc chắn. Một lần nữa việc liên kết giữa nhà nông và nhà máy cần phải được chính người nông dân quan tâm và thực hiện nghiêm túc.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!