Khu xử lý rác thải huyện Thanh Thủy được xem là có quy mô lớn và tốt nhất ở vùng nông thôn Phú Thọ. Tuy nhiên, phần lớn lượng rác thải đưa về đây cũng chỉ được chôn lấp một cách sơ sài, 1 tháng phủ đất và 1 số chế phẩm 1 lần. Còn lại khoảng 30% được đưa vào lò đốt.
Chỉ bằng cảm quan cũng có thể thấy việc xử lý rác một cách thủ công như thế này không thể đảm bảo các yêu cầu về môi trường, nhất là khí thải và mùi phát sinh.
Theo phản ánh của nhiều người dân xã Thạch Khoán, huyện Thanh Sơn - một khu vực chỉ cách khu xử lý rác 1 quả đồi, nhiều năm nay, khu xử lý rác này đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của họ.
Một thực tế đáng lo ngại ở Phú Thọ cũng như nhiều vùng nông thôn hiện nay đó là đa số các địa phương đều không còn quỹ đất, vị trí phù hợp để chôn lấp rác. Nhiều bãi rác tự phát không có bất kỳ biện pháp xử lý nào đang khiến cho môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Nhằm giải quyết những khó khăn trong việc xử lý rác ở nông thôn, hiện nay, Bộ TNMT đang phối hợp với các địa phương rà soát, kiểm tra việc quy hoạch, xử lý môi trường tại các khu xử lý rác ở nông thôn. Đồng thời xây dựng nhiều cơ chế hỗ trợ, khuyến khích việc xử lý, tái chế rác thải sinh hoạt.
Theo các chuyên gia, nếu những khó khăn trong xử lý rác ở nông thôn không được tháo gỡ, đến năm 2020, chúng ta khó có thể xử lý 70% lượng chất thải rắn ở nông thôn theo mục tiêu của Chương trình xử lý chất thải rắn đã được Chính phủ phê duyệt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!