Hứa sẽ có được chứng nhận an toàn hệ thống sớm nhất
Trong phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể vào sáng 5/6 theo chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, một số đại biểu Quốc hội đã đặt nhiều câu hỏi liên quan tới dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông ở Thủ đô.
Về thời hạn đưa đoàn tàu tuyến Cát Linh – Hà Đông đi vào hoạt động khai thác thương mại, đại biểu Quách Thế Tản (Hòa Bình) cho rằng, dự án liên tục chậm tiến độ. Đại biểu Tân dẫn chứng về các mốc thời gian dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông "khất" hết lần này đến lần khác:
"Từ tháng 6/2015 – 6/2016, 12/2016, 2/2017, 10/2017, quý II năm 2018, cuối năm 2018 và hiện nay là tháng 4/2019, tuyến đường sắt đô thị này vẫn chưa đi vào khai thác thương mại phục vụ người dân", đại biểu Tân nêu.
ĐBQH Quách Thế Tản (Hòa Bình)
Cũng chất vấn về vấn đề này, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) đặt câu hỏi về lý do đến nay dự án đã qua chạy thử, đã hoàn thành 99% thi công nhưng vẫn chưa được đưa vào vận hành thương mại.
Trước những câu hỏi của các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định Bộ rất mong muốn sớm đưa dự án vào vận hành thương mại. Tuy nhiên, đây là dự án đường sắt đầu tiên của quốc gia, liên quan đến sinh mệnh của hành khách, do đó, để có thể vận hành thương mại, phải chứng nhận được an toàn hệ thống.
Bộ trưởng Thể cho rằng, muốn chứng nhận được an toàn hệ thống, cần trải qua nghiệm thu và được cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến các thiết bị, linh kiện. Vị tư lệnh ngành Giao thông vận tải khẳng định, hiện Bộ đang cùng với phía tư vấn tiếp tục thực hiện.
Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Công ty Đường sắt Hà Nội đào tạo khoảng 800 người sử dụng thành thạo các thiết bị và chức năng liên quan tới đoàn tàu. Đây là điều tiên quyết để đảm bảo việc vận hành diễn ra an toàn. Hoạt động vận hành thử không tải đang được triển khai song song với việc phối kết hợp điều chỉnh các số liệu.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định quyết tâm của Bộ trong việc phối hợp với thành phố Hà Nội và cơ quan chức năng nhằm cố gắng kết thúc việc nghiệm thu và hứa sẽ có được chứng nhận an toàn hệ thống trong thời gian sớm nhất.
"Khi có được chứng nhận này mới có thể vận hành thương mại. Về thời gian, hiện nay chúng tôi làm việc với tổng thầu, yêu cầu thay đổi người quản lý, làm việc với Đại sứ quán, làm việc với cơ quan chức năng, làm sao để bên phía bạn cung cấp đầy đủ các thông tin, quy trình vận hành, quy trình sửa chữa an toàn để dự án này phải đảm bảo an toàn tuyệt đối", Bộ trưởng Thể nhấn mạnh.
Nếu sai chủ quan về vấn đề đội vốn, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật
Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) băn khoăn về việc xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến việc đội vốn, kéo dài dự án này.
Trả lời về vấn đề dự án Cát Linh – Hà Đông đội vốn, tăng tổng mức đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thừa nhận có sự trượt giá. Cụ thể, dự án này được phê duyệt năm 2009, giai đoạn từ 2009 – 2012 là những năm có trượt giá, biến động rất lớn về ổn định kinh tế vĩ mô.
"Theo thống kê, chỉ riêng trượt giá là 49%, ngoài ra còn thêm công nghệ trong quá trình vận hành, triển khai phát sinh công tác giải phóng mặt bằng, các linh kiện… Tôi chắc chắn rằng các cơ quan chức năng như thanh tra, kiểm toán, thậm chí là cơ quan điều tra của Bộ Công an cũng sẽ vào cuộc để làm sáng tỏ các vấn đề phát sinh đúng sai. Nếu đơn vị nào làm sai chủ quan, sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật", Bộ trưởng Thể báo cáo trước Quốc hội.
Tính đến hết tháng 5/2019, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa được vận hành thương mại. Ảnh: Khánh Nguyễn
Người đứng đầu ngành GTVT khẳng định, hiện Bộ đang chỉ đạo Ban Quản lý Dự án đường sắt cố gắng cùng với các đơn vị liên quan sớm vận hành đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Sau khi vận hành sẽ tiến hành các thủ tục liên quan đến quyết toán, kiểm toán và xử lý các số liệu có liên quan.
Theo vị Tư lệnh ngành GTVT, Việt Nam còn rất nhiều dự án đường sắt đô thị sẽ được triển khai trong thời gian tới. Theo đó, nếu dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông có vấn đề, tất cả dự án khác sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bộ trưởng Thể nhấn mạnh, với trách nhiệm của ngành, Bộ GTVT sẽ cố gắng hết sức.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông được phê duyệt từ năm 2009, do Bộ GTVT là chủ đầu tư. Theo báo cáo của Bộ GTVT, dự án có vốn ban đầu là 8.769 tỷ đồng và được chỉnh nâng lên mức 18.001 tỷ đồng năm 2016, dự kiến ban đầu sẽ hoàn thành đưa vào vận hành năm 2013. Tuy nhiên, đến nay, tức là tháng 6/2019, dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông vẫn chưa đưa vào vận hành khai thác thương mại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!