Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: VGP)
Đó là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với Hội cựu thanh niên xung phong Việt Nam vào sáng 22/8. Ngay tại buổi làm việc, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ cần sớm báo cáo Chính phủ về phương hướng giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng.
Trước đề nghị của Chủ tịch Hội cựu thanh niên xung phong Việt Nam Nguyễn Anh Liên về 861 thanh niên xung phong trong 2 cuộc kháng chiến chưa được công nhận liệt sỹ, hơn 8.700 người chưa được công nhận là thương binh và trên 11.000 thanh niên xung phong cùng với hơn 1.600 con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh nhưng chưa được xem xét giải quyết chế độ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội từ nay đến cuối năm triển khai thí điểm ở 5 tỉnh về việc thành lập các Hội đồng từ cấp xã, đến cấp tỉnh để xem xét từng trường hợp một theo tinh thần công khai, minh bạch, vì hầu hết các trường hợp tồn đọng đều không còn hồ sơ gốc nên chỉ dựa vào nhân chứng. Sau khi triển khai thí điểm phấn đấu đến năm 2017 sẽ giải quyết dứt điểm các trường hợp tồn đọng khác trong cả nước. Thủ tướng cũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Quốc phòng sớm công bố địa bàn bị nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh để làm cơ sở công nhận những đồng chí, đồng bào bị nhiễm chất độc hóa học.
Về đề nghị công nhận 5 thanh niên xung phong đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ xây dựng tuyến đường sắt Chi Lăng - Đồng Đăng - Lạng Sơn thời kỳ 1954-1956 là liệt sỹ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trực tiếp thẩm định hồ sơ và sớm trình Thủ tướng xem xét. Thủ tướng cũng giao Bộ Nội vụ làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa về kết luận liên quan đến Đội thanh niên xung phong vũ trang tuyên truyền quân khu 5, để báo cáo Thủ tướng giải quyết dứt điểm vụ việc này. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ Nội vụ thẩm tra tình hình các địa phương thực hiện việc trả lương cho cán bộ Hội thanh niên xung phong theo đúng tinh thần Quyết định số 30 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời yêu cầu các tỉnh thực hiện đúng tôn chỉ mục đích của Hội Thanh niên xung phong đó là cán bộ Hội cựu thanh niên xung phong phải là thanh niên xung phong.
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng biểu dương Hội thanh niên xung phong và Chủ tịch Hội Nguyễn Anh Liên luôn nhiệt tình bảo vệ quyền lợi của thanh niên xung phong trong cả nước. Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến những người có công với cách mạng trong đó có các cựu thanh niên xung phong, đồng thời cho biết tháng 7 vừa qua, Thủ tướng đã ban hành Quyết định nâng mức trợ cấp hàng tháng đối với thanh niên xung phong, cũng như đồng ý chủ trương xây dựng chính sách giải quyết chế độ đối với thanh niên xung phong ở miền Nam tham gia kháng chiến từ 1965-1975. Hiện Chính phủ cũng đang sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.
Trong 2 cuộc kháng chiến đã có nửa triệu thanh niên xung phong làm nhiệm vụ ở các chiến trường và các địa bàn trọng điểm, trong đó, gần 10.500 người đã hi sinh, gần 46.000 người bị thương, trên 13.000 người bị nhiễm chất độc da cam và 5.600 nữ thanh niên xung phong sau khi kết thúc chiến tranh do bệnh tật không xây dựng được gia đình, sống cô đơn, không nơi nương tựa.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!