Quần thể lim xanh nằm dọc các triền núi kề làng Raglai Mỹ Thạnh. Thống kê cho thấy, có đến hơn 1.000 cá thể lim xanh với chiều cao hơn 30m, đường kính thân gỗ từ 1 - 1,5m. Những cây lớn phải đến 4 người ôm mới hết.
Quản lý khoảng 20.000 ha rừng trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam, sự tồn tại của quần thể hơn 1.000 cây lim trên trăm tuổi quý giá này vừa là niềm tự hào của cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Móng - Ka Pét, nhưng cũng đặt trên vai họ trách nhiệm nặng nề khi nạn phá rừng ngày một diễn biến phức tạp, tinh vi hơn.
Ông Nguyễn Văn Trinh, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Sông Móng - Ka Pét, Bình Thuận cho biết: "Để phát triển bền vững quần thể lim, chúng tôi đã yêu cầu cán bộ Trạm Đèo Nam xác định vị trí tọa độ, đánh số, đo đếm đường kính, ghi lại hình ảnh để lên sơ đồ bảo vệ cụ thể hơn".
Quần thể lim xanh được phát hiện có đặc điểm tán rộng, mọc cách nhau từ 40-50 mét, có lá kép hình lông chim. Thân cây già có nhiều vảy lớn, bong tróc thành các lỗ bì có màu nâu đỏ hình tròn. Hiện cán bộ trạm quản lý rừng Đèo Nam tăng cường tuần tra, kiểm soát; phối hợp với lực lượng hộ dân nhận khoán của xã Mỹ Thạnh duy trì lịch trực, cứ 2-3 ngày phải tổ chức đi tuần.
Xếp vào loài cây gỗ quý hiếm, bền chắc, ít mối mọt, lim từ xưa đã được dùng làm cột nhà, trang trí nội thất, đóng tàu thuyền... Giá trị kinh tế cao, nên rừng lim Mỹ Thạnh cũng đang đứng trước nguy cơ bị xâm phạm rất lớn, cần được quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!