Toàn vùng Tây Nguyên có diện tích cà phê gần 590.000 ha, chiếm khoảng 90% diện tích cây trồng này trong cả nước và tốc độ tăng bình quân 2,5% mỗi năm. Tuy nhiên, diện tích cà phê già cỗi ngày càng gia tăng với hơn 60% diện tích, việc tái canh còn nhiều khó khăn. Do vậy, việc quy hoạch cà phê phát triển bền vững trước những biến động của điều kiện khí hậu, thời tiết luôn được các địa phương khu vực này đặt ra.
Để nâng cao vị thế của các sản phẩm cà phê, Tây Nguyên cần phát triển liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm cà phê bền vững; từ sản xuất đến thu mua, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, lâu nay việc phát triển cà phê bền vững vẫn còn nhiều bất cập; từ sản xuất, tái canh đến chế biến, xuất khẩu và cạnh tranh với nước ngoài.
Hội thảo về "Phát triển ngành hàng cà phê Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế" vừa được tổ chức tại tỉnh Đăk Lăk. Theo các nhà khoa học, để việc liên kết đạt hiệu quả, cần quy hoạch phát triển vùng với nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ, áp dụng khoa học công nghệ, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực và hợp tác quốc tế. Có như vậy, ngành cà phê Tây Nguyên mới phát triển một cách hiện đại, đồng bộ và bền vững.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!