Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 1/11, liên quan đến chính sách đối với người có công với cách mạng, ĐBQH Mai Thị Kim Nhung - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung: "Hiện nay, còn nhiều khó khăn, bất cập chưa được giải quyết trên cả 3 vấn đề: xác định đối tượng; thủ tục, quy trình xét công nhận và chế độ người có công. Đặc biệt tình trạng người có công chưa được xem xét công nhận, trong khi đó nhiều đối tượng trục lợi chính sách người có công, gây bất bình trong nhân dân mà nguyên nhân chính chưa có hành lang pháp lý đầy đủ, chế tài đủ mạnh để điều chỉnh".
"Có nên xây dựng Luật Người có công không? Nếu chưa xây dựng được Luật thì cần phải sửa đổi Pháp lệnh người có công như thế nào để sớm khắc phục những vướng mắc, bất cập hiện nay", đại biểu Kim Nhung đặt câu hỏi.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, việc xem xét, công nhận người có công đã được tiến hành theo các quy định hiện hành. Đặc biệt, việc giải quyết hồ sơ tồn đọng người có công đang được tiến hành quyết liệt và từng bước có hiệu quả nhất định.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: "Nhìn tổng thể, chính sách người có công đã thực hiện một cách nghiêm minh, đảm bảo đúng, đủ và kịp thời. Cả hệ thống chính trị đều quan tâm; nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương từng bước đã đưa vấn đề này trở thành văn hóa trong ứng xử".
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn. Ảnh: VGP
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, quá trình thực hiện gần 70 năm qua cho thấy vẫn còn hiện tượng trục lợi chính sách người có công. Gần đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã quyết liệt trong việc phát hiện, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.
Vị tư lệnh ngành nêu rõ: "Đến nay, Bộ LĐ-TB&XH và các địa phương đã phát hiện, đình chỉ thực hiện chính sách 6.510 trường hợp gồm thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
Đến tháng 8/2018, đã kết thúc thanh tra ở 7 quân khu và Bộ Tư lệnh Thủ đô. Toàn bộ hồ sơ thương binh được lập trong giai đoạn 2015 - 2018 là 66.014 hồ sơ. Đến nay, Bộ trưởng đã quyết định đình chỉ 2.281 trường hợp hưởng chính sách không đúng như khai man, giả mạo, hồ sơ không đầy đủ...; kiến nghị thu hồi 194,78 tỷ đồng. Bộ LĐ-TB&XH, các ngành, địa phương đã xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm về chính sách người có công".
"Các cơ quan chức năng cũng truy tố 49 vụ, trong đó có 171 bị cáo, phạt tù 45 người, xử án treo 124 người. Bộ LĐ-TB&XH và các địa phương đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm và bước đầu có hiệu quả nhất định", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, quan điểm của Bộ LĐ-TB&XH là không ban hành Luật Người có công. Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ LĐ-TB&XH đang tiến hành quy trình để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi toàn diện Pháp lệnh người có công với cách mạng.
"Thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ lập đường dây nóng, tiếp nhận thông tin, tố giác hành vi vi phạm để xem xét xử lý; tổng kết, phân loại vi phạm... Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, thanh tra toàn bộ 320.000 hồ sơ người tham gia kháng chiến và con đẻ người tham gia kháng chiến chịu ảnh hưởng chất độc hóa học; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm mọi vi phạm; đảm bảo sự tôn nghiêm pháp luật và niềm tin của nhân dân. Chúng tôi rất mong đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và nhân dân cả nước ủng hộ các chủ trương này", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kết lại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!