Các tàu tại tỉnh Quảng Ninh đã được đưa về gần bờ khu vực cột 5 (Tp Hạ Long) để tránh bão. Ảnh: Nguyễn Hoàng/TTXVN
Vào lúc này, cơn bão số 3 đã chính thức có những ảnh hưởng gây mưa lớn tại các tỉnh ven biển phía Bắc. Tại Hà Nội cũng đã có mua to từ chiều nay (18/8).
Ngay sau khi cơn bão số 3 có những ảnh hưởng đầu tiên đến tỉnh Quảng Ninh, Phó Chủ tịch tỉnh đã tiến hành kiểm tra một điểm trên đoạn đê Hà Nam. Đây được coi là một điểm đê xung yếu và có thể vỡ, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nếu mưa lớn kéo dài và mực nước trên sông rút tăng cao. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo địa phương phải theo dõi sát sao đoan đê xung yếu này; xây dựng tất cả các kịch bản xảy ra và phương án đối phó trong tình hình mưa lũ kéo dài.
Tất cả thiết bị, máy móc tại công trường ngay gần đó cũng được huy động, tập trung sẵn sàng hỗ trợ khi tình hình đê điều xấu đi. Không chỉ tại Quảng Yên, tất cả các điểm bị ảnh hưởng bởi cơn bão đều được lãnh đạo tỉnh trực tiếp thị sát.
Theo dự báo, tình hình mưa lớn sẽ còn tiếp tục kéo dài trên địa bàn tỉnh, mực nước tại các sông sẽ tiếp tục dâng cao và không ngoại trừ khả năng ngập úng.
Cũng theo dự báo, bão sô 3 cũng sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An. Trong ngày hôm nay (18/8), công tác phòng chống bão cũng đã tích cực được triển khai nhằm hạn chế tối đa thiệt hại.
Tính đến 17h chiều nay, hơn 7.000 phương tiện đánh bắt hải sản với gần 25.000 lao động của tỉnh Thanh Hóa đã vào nơi tránh trú bão an toàn. Để chủ động ứng phó với cơn bão số 3, các địa phương ven biển tỉnh Thanh Hóa nghiêm cấm mọi hoạt động ra khơi đánh bắt, triển khai phương châm "4 tại chỗ", kiểm đếm tàu thuyền, yêu cầu vào nơi tránh trú bão an toàn, giữ thông tin liên lạc chặt chẽ với các phương tiện đang tránh trú bão. Đồng thời chuẩn bị sẵn sàng phương án sơ tán dân ở vùng biển, vùng cửa sông, khu vực ngoại đê, vùng trũng thấp đến nơi an toàn. Tuyên truyền, vận động nhân dân nêu cao ý thức phòng tránh bão, kiên quyết ngăn chặn, không cho các phương tiện ra khơi nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân.
Nghệ An cũng được dự báo là địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng của cơn bão số 3. Hơn 900 tàu thuyền đánh bắt xa bờ của thị xã Hoàng Mai, Nghệ An cũng đã về nơi trú ẩn. Có 2 tàu đánh cá ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ cũng đã kêu gọi vào neo đậu ở Vân Đồn - Quảng Ninh, 28 tàu nhỏ đánh bắt ở vùng biển Hà Tĩnh đã vào neo đậu an toàn tại Cửa Sót. Thị xã Hoàng Mai cũng chuẩn bị các phương án tối ưu để di dời dân khi có tình huống xấu xảy ra. Tại địa bàn huyện Diễn Châu, đến nay 100% tàu thuyền cũng đã về tránh trú bão an toàn. Ngoài ra, các địa phương vùng xung yếu tỉnh Nghệ An cũng đã sẵn sàng các phương án nhằm đảm bảo an toàn và chống ngập úng cho diện tích lúa và hoa màu trên địa bàn.
Tại Nam Định, theo ghi nhận tính đến 17h00 chiều nay, 2.034 tàu với khoảng 5.128 lao động, 100% đã về bờ neo đậu tránh trú an toàn. 732 lều chòi nuôi trồng thuỷ sản với khoảng 880 lao động, đã có 90% về nơi tránh trú an toàn. 10% còn lại sẽ được huy động về nơi an toàn từ thời điểm hiện tại cho đến trước 8h00 sáng mai (19/8).
Ngoài ra, hơn 2.100 hộ dân sống ở ven sông, cửa biển với khoảng 5.500 người đang bắt đầu công tác di dời. Theo chủ trương của tỉnh Nam Định, công tác di dân sẽ được hoàn thành trước 10h00 sáng mai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!