Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Ảnh: TTXVN)
Với thời gian thực hiện dự án 10 năm từ lúc phê duyệt chủ trương đầu tư đến lúc hoàn thành giai đoạn 1 thì việc lập dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành tại thời điểm này là cần thiết - Báo cáo của Chính phủ đã lý giải tại sao lại trình Quốc hội xin chủ trương đầu tư vào lúc này
Ngoài việc phân tích các nguyên nhân và lý do tại sao phải xây dựng sân bay Long Thành là do sân bay Tân Sơn Nhất không còn khả năng đáp ứng được yêu cầu vận chuyển hành khách, cũng như không có khả năng mở rộng, báo cáo của Chính phủ lần này đã làm rõ được các câu hỏi quan tâm nhất hiện nay đó là vốn ở đâu, khả năng trả nợ ra sao và hiệu quả hoạt động sau khi công trình đi vào hoạt động…
Dự kiến sân bay Long Thành được phân kỳ đầu tư thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 có mức kinh phí đầu tư dự tính là 7,837 tỷ USD; Giai đoạn 2 kinh phí đầu tư 3,818 tỷ USD; Giai đoạn 3 kinh phí đầu tư 7,061 tỷ USD. Tổng kinh phí đầu tư cho cả 3 giai đoạn của dự án vào khoảng 18,7 tỷ USD
Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, vốn để xây dựng sân bay Long Thành từ ngân sách Nhà nước chỉ sử dụng cho một số hạng mục như giải phóng mặt bằng, xây dựng đài chỉ huy, kết nối giao thông khu vực sân bay.
Để làm rõ ngân sách Nhà nước sẽ dành cho dự án này là bao nhiêu, theo báo cáo của Chính phủ, tổng ngân sách Nhà nước sử dụng cho giai đoạn 1 của dự án là gần 22.000 tỷ đồng và chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1a là trên 11.000 tỷ đồng, giai đoạn 1b là gần 11.000 tỷ đồng và số tiền này chủ yếu dành để giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, trong số 11.000 tỷ đồng này của giai đoạn 1a, ngân sách Nhà nước bỏ ra 6.000 tỷ đồng vì 5.000 tỷ còn lại Bộ Giao thông vận tải kiến nghị để Tổng Công ty Cảng hàng không được sử dụng khoản tiền thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp này và các công ty con.
Đánh giá trên phương diện tác động đến nợ công, báo cáo Chính phủ cũng cho biết theo tính toán, dự án chỉ làm đội nợ công thêm 0,091% nhưng tỷ suất nội hoàn kinh tế của dự án có thể tới 22,1%, cao hơn tỷ suất chiết khấu xã hội, nghĩa là dự án có khả năng trả nợ tốt.
Báo cáo cũng cho biết, về lâu dài Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ có nhiều lợi thế khi so sánh với các trung tâm trung chuyển trong khu vực. Về cơ sở vật chất, sau khi đầu tư sẽ đạt quy mô sân bay cấp 4F, Long Thành đủ điều kiện để tiếp nhận tất cả các loại tàu bay hiện đại nhất. Mức công suất của sân bay Long Thành được xác định 100 triệu hành khách/năm, gấp 4 lần mức tối đa của sân bay Tân Sơn Nhất
Cũng tại phiên họp sáng nay (29/10), trong báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, về hiệu quả kinh tế của sân bay Long Thành mà Chính phủ nêu, đây là dự báo lạc quan về lượng hành khách đạt được, thực tế lợi ích kinh tế của dự án trong quá trình khai thác còn phụ thuộc nhiều yếu tố như: vấn đề tiết giảm các chi phí khai thác, vận hành tại cảng hàng không, mức độ thu hút du lịch, hệ thống hạ tầng đồng bộ.
Về phương án huy động vốn, theo Ủy ban Kinh tế Quốc hội, việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành sử dụng nguồn vốn Nhà nước, vốn vay trong bối cảnh nợ công tăng nhanh và ngân sách Nhà nước khó khăn, nên báo cáo của Chính phủ cần làm rõ hơn các biện pháp để thu hút các nguồn vốn khác.
Mời quý vị theo dõi video chi tiết