Cơ bản đồng tình với báo cáo giám sát của Ủy ban TVQH về kết quả giám sát việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006-2012 do Ủy ban Tài chính, ngân sách trình, đại biểu Phương Thị Thanh cho rằng, việc Quốc hội, Chính phủ quyết định chủ trương phát hành trái phiếu cho đầu tư các lĩnh vực, công trình dự án là rất đúng đắn, đây là nguồn lực to lớn nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, việc thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ 2006-2012 còn nhiều bất cập, nhất là giai đoạn đầu của thực hiện chương trình.
Ông Lê Văn Học, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng kiến nghị: “Về kết quả đạt được trái phiếu nêu trong báo cáo giám sát chủ yếu là nêu các số lượng dự án, chưa thể hiện các tham số và các tiêu chí kỹ thuật, dự án. Ví dụ đường giao thông là loại gì, bao nhiêu km?. Về thủy lợi không rõ làm được bao nhiêu kênh mương, tưới tiêu, bao nhiêu hồ chứa nước, bao nhiêu kè. Về y tế làm được bao nhiêu bệnh viện, số kinh phí đầu tư cho xây dựng kiên cố hóa trường học còn thấp”.
‘ Ảnh: Báo Xây dựng
Mặc dù trong quá trình thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có thanh tra, kiểm tra giám sát vào cuộc, tuy nhiên theo các đại biểu, trong quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn nhiều vấn đề xảy ra gây dư luận không tốt trong xã hội.
Ngoài những nội dung trên, các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá 5 vấn đề lớn, đó là việc ban hành quy phạm pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến việc thực hiện vốn trái phiếu Chính phủ, việc thực hiện tổ chức nguồn vốn Chính phủ giai đoạn 2006-2012 trong đó phân tích những mặt được và những tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ; việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, trong đó tập trung đánh giá những mặt được, những tồn tại hạn chế dựa trên các quy định từ Điều 26 đến 34 của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đồng thời phân tích, đánh giá trách nhiệm của các cơ quan có liên quan đối với các sai phạm hạn chế, quản lý sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và đưa ra các giải pháp xử lý tồn tại, hạn chế cũng như phương án xử lý các dự án đang triển khai còn thiếu vốn.