Theo các đại biểu, để bảo đảm tính khả thi của chương trình, tránh bị điều chỉnh quá nhiều thì việc xem xét, quyết định đưa các dự án vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 cần phải cân nhắc một cách thận trọng, xác định rõ sự cần thiết, phạm vi, đối tượng điều chỉnh và những nội dung cơ bản của dự án, các điều kiện cần thiết bảo đảm việc soạn thảo, cho ý kiến và trình xem xét, thông qua.
Có đại biểu đề nghị, sau khi dự thảo sửa đổi Hiến pháp được thông qua vào cuối năm 2013, thì năm 2014 cần ưu tiên cho việc sửa đổi, bổ sung các luật về tổ chức bộ máy nhà nước, các luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; các dự án phục vụ cho việc tái cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, việc sắp xếp tiến độ cụ thể của các dự án cần có sự cân nhắc, ưu tiên trên cơ sở đánh giá việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các năm trước đây và sự cần thiết ban hành, tiến độ, chất lượng chuẩn bị dự án.
‘ Ảnh: VNN
Về đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013, đại biểu cho rằng, việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh như vậy là quá nhiều và đề nghị cần có kế hoạch, bố trí thời gian cũng như các điều kiện cần thiết để bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết của Quốc hội.
Cũng trong sáng nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).