Chiều nay (22/11), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương với tỷ lệ 89,23% (431 phiếu tán thành/448 tổng số phiếu).
Trước đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Tại phiên họp sáng ngày 25/10/2019, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành với các nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp, đồng thời đóng góp thêm các ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và rà soát các nội dung của dự thảo Luật.
Về việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với các nội dung sửa đổi, bổ sung trong Luật Tổ chức Chính phủ như dự thảo Luật và những nội dung giải trình, tiếp thu tại Báo cáo số 456/BC-UBTVQH14 ngày 17/10/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời, có một số ý kiến góp ý cụ thể thêm về nội dung và kỹ thuật văn bản.
Về việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với quy định về việc giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện, tăng số lượng Phó Chủ tịch UBND đối với cấp xã loại II như đã chỉnh lý trong dự thảo Luật. Riêng về quy định số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, Phó Trưởng ban của HĐND cấp tỉnh thì ý kiến của đại biểu Quốc hội còn có sự khác nhau trong lựa chọn phương án. Một số ý kiến đồng ý với phương án 1, một số ý kiến khác lại đồng ý với phương án 2 của dự thảo Luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, tuy ý kiến của các đại biểu Quốc hội về số lượng Phó Chủ tịch HĐND chưa có sự cách biệt lớn về tỷ lệ lựa chọn Phương án 1 hay Phương án 2 nhưng tựu trung lại, các vị đại biểu Quốc hội đều thống nhất đề nghị trong lãnh đạo HĐND cấp tỉnh nên duy trì tối thiểu là 2 đại biểu hoạt động chuyên trách để bảo đảm hiệu quả hoạt động của HĐND trong điều kiện đẩy mạnh phân quyền, phân cấp cho địa phương hiện nay.
Theo đó, nếu Chủ tịch HĐND/Trưởng ban HĐND là đại biểu chuyên trách thì bố trí 01 Phó Chủ tịch HĐND/Phó trưởng ban HĐND hoạt động chuyên trách; trường hợp Chủ tịch HĐND/Trưởng ban HĐND là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí 02 Phó Chủ tịch HĐND/02 Phó trưởng ban HĐND hoạt động chuyên trách.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!