Trước một số vấn đề vẫn còn ý kiến khác nhau khi thảo luận tại phiên họp toàn thể mới đây về dự án sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015, sáng nay (27/5), dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức hội nghị tiếp thu ý kiến của Quốc hội về dự án luật quan trọng này.
Tại hội nghị, Quy định người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự khi không tố giác thân chủ phạm phải các tội xâm phạm an ninh quốc gia, hoặc các tội đặc biệt nghiêm trọng tiếp tục được các đại biểu tranh luận sôi nổi. Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đặt vấn đề: "Nếu luật sư tố giác tội phạm thì chính thân chủ đó có mời luật sư nữa không? Xã hội có tẩy chay nghề luật sư không khi chưa bảo vệ được gì đã tố giác?"
"Đa số các luật sư rất ngại đi bào chữa các tội xâm hại an ninh quốc gia. Thực tế người ta rất sợ vướng vào tai nạn rủi ro nghề nghiệp. Ở đây trừ mấy luật sư mới vào nghề hoặc là những luật sư ít việc làm mà được các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ định, đoàn luật sư phải làm tròn bổn phận thì họ đi. Còn những luật sư có uy tín, thương hiệu họ làm không hết việc thì khi mời họ rất khó" - ông Đỗ Ngọc Thịnh, đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, nêu ý kiến.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Chiến, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho rằng: "Bảo đảm tính dân chủ là nhà nước của dân, do dân và vì dân, do vậy, luật sư bào chữa cho người dân, bào chữa cho khách hàng thì không được phép tiết lộ bí mật của khách hàng. Điều 73 của Bộ luật tố tụng hình sự đã thiết kế trên cơ sở cấm hoàn toàn.
Trên cơ sở đó, chúng ta lại thiết kế dự luật Bộ luật hình sự lại đi ngược lại quy định của điều 73, lại bắt buộc luật sư tiết lộ bí mật của thân chủ, tố giác thân chủ. Quy định này có xung đột, mâu thuẫn và không phù hợp với nguyên tắc làm luật".
Đồng tình với quan điểm luật phải đảm bảo điều kiện cho giới luật sư hành nghề, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Thái Học cho rằng việc quy định như khoản 3, Điều 19 trong dự thảo Bộ luật là phù hợp với trách nhiệm của luật sư, không làm thui chột nghề hay ảnh hưởng sự thu hút đầu tư nước ngoài.
Trước nhiều ý kiến còn khác nhau, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra phải ngồi lại với nhau, có thể mời thêm luật sư để thảo luận thấu tình đạt lý trước khi hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!