Quy định "sử dụng rượu bia thì cấm lái xe" tạo chế tài nghiêm khắc để xử lý người vi phạm

H.T-Thứ sáu, ngày 14/06/2019 19:46 GMT+7

Toàn cảnh buổi họp báo về kết quả kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV

VTV.vn - Quy định cấm Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là nội dung đáng chú ý của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Sau 20 ngày làm việc với tinh thần trách nhiệm, dân chủ, trí tuệ (từ ngày 20/5 đến ngày 14/6/2019), Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình kỳ họp. Theo đó, Quốc hội đã xem xét, thông qua 7 luật, 10 nghị quyết, cho ý kiến về 9 dự án luật; giám sát tối cao chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018"; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với 4 nhóm vấn đề liên quan đến các lĩnh vực giao thông vận tải, xây dựng, an ninh trật tự, an toàn xã hội, văn hóa, thể thao và du lịch; xem xét các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và nhiều báo cáo quan trọng khác; phê chuẩn nhân sự.

Trong buổi họp báo về kết quả kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV vào chiều nay (14/6), Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, tổ chức bộ máy, quản lý công vụ, công chức, quan hệ lao động, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; tăng cường nội luật hóa các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, tiến trình hội nhập quốc tế…

Quy định sử dụng rượu bia thì cấm lái xe tạo chế tài nghiêm khắc để xử lý người vi phạm - Ảnh 1.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng thông báo về kết quả kỳ họp thứ 7

Đáng chú ý, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được ban hành nhằm tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao thể chất, tinh thần, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người dân.

Luật gồm 7 chương, 36 điều, quy định các biện pháp về giảm mức tiêu thụ, quản lý việc cung cấp rượu, bia và giảm tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Trong đó, quy định cấm "Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn". Quy định này mở rộng đối tượng không được uống rượu, bia khi tham gia giao thông, tạo chế tài nghiêm khắc để xử lý nghiêm minh người vi phạm, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và đại biểu Quốc hội, thể hiện quyết tâm của Quốc hội, của Chính phủ trong việc kiềm chế các vụ tai nạn giao thông.

Đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông Đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông

VTV.vn - Quốc hội đã biểu quyết thông qua quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu, hơi thở có nồng độ cồn trước tình trạng tai nạn liên quan đến rượu, bia.

Luật quy định cụ thể việc quản lý quảng cáo rượu, bia và tài trợ của các tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu, bia; quy định đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm đối với rượu, bia và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. Nhà nước ưu tiên các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông; giảm tính sẵn có, dễ tiếp cận của rượu, bia; tăng cường quản lý sản xuất rượu thủ công; thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với trẻ em, thanh niên.

Quy định sử dụng rượu bia thì cấm lái xe tạo chế tài nghiêm khắc để xử lý người vi phạm - Ảnh 3.

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành 84,30 %

Luật Giáo dục cũng được sửa đổi toàn diện nhằm tạo cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực, tăng tính dân chủ, tự chủ của các cơ sở giáo dục đào tạo.

Luật gồm 9 chương, 117 điều, trong đó, quy định về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học; giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông và giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa; việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa; chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; cơ sở giáo dục; các quy định liên quan đến nhà giáo, người học; đầu tư, tài chính trong giáo dục; quản trị cơ sở giáo dục; quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo…

Về kết quả giám sát tối cao, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, sau khi xem xét báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018 và tình hình triển khai thực hiện những tháng đầu năm 2019, Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao sự chỉ đạo và thực hiện linh hoạt, quyết liệt các giải pháp của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, góp phần đạt được những kết quả toàn diện trên mọi lĩnh vực.

Đồng thời, yêu cầu Chính phủ phân tích, đánh giá cụ thể nguyên nhân kết quả đạt được, những yếu tố tích cực có tính đột biến và dài hạn để phục vụ công tác điều hành năm 2019. Quốc hội cơ bản thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ và yêu cầu Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương phát huy những mặt tích cực trong thời gian qua, bám sát tình hình thực tiễn, có các giải pháp kịp thời, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành để giữ vững đà tăng trưởng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; chủ động, linh hoạt ứng phó trước những diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế, chính trị trong nước và thế giới.

Trong thời gian 2,5 ngày, đại biểu Quốc hội đã chất vấn; các Phó Thủ tướng Chính phủ Chính phủ, Bộ trưởng 04 Bộ: Công an, Xây dựng, Giao thông vận tải, Văn hóa - Thể thao và Du lịch và các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác đã tham gia trả lời chất vấn.

Các nhóm vấn đề chất vấn được lựa chọn xác đáng, bám sát thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội. Đại biểu Quốc hội đã đặt nhiều chất vấn gọn, rõ, bám sát nhóm vấn đề, thể hiện sự đồng hành, chia sẻ những khó khăn trong quản lý, điều hành của Chính phủ. Thành viên Chính phủ đã trả lời thẳng thắn, trách nhiệm, đưa ra nhiều cam kết nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập và nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong lĩnh vực phụ trách. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 7.

Quy định sử dụng rượu bia thì cấm lái xe tạo chế tài nghiêm khắc để xử lý người vi phạm - Ảnh 4.

Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời câu hỏi của phóng viên

Trên cơ sở kết quả giám sát tối cao chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018", Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị. Quốc hội ghi nhận những kết quả đạt được, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập, đồng thời, đề xuất nhiều giải pháp nhằm chấn chỉnh các bất cập trong công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai trong thời gian tới, nhằm phát huy tối đa giá trị của đất đai trong phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường. Quốc hội yêu cầu các cơ quan, tổ chức có liên quan tăng cường giám sát việc thực hiện Nghị quyết, góp phần phát hiện, kiến nghị xử lý các tồn tại, hạn chế và vi phạm pháp luật.

Trên cơ sở các Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 7, Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực, nghiêm túc, trách nhiệm của các cơ quan trong giải quyết các kiến nghị của cử tri. Các nội dung trả lời đều rõ ràng, giải thích ngắn gọn, dễ hiểu, đúng trọng tâm vấn đề cử tri nêu; cung cấp thêm thông tin về các quy định của pháp luật có liên quan cũng như kế hoạch triển khai khắc phục những vấn đề mà cử tri kiến nghị. Quốc hội yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục nâng cao chất lượng tổng hợp, giải quyết và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri và Nhân dân; tăng cường tổ chức hoạt động giải trình, giám sát, khảo sát chuyên đề đối với những vấn đề mới, nóng được cử tri, xã hội quan tâm; triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện kiến nghị nêu trong các báo cáo.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập 01 Đoàn giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em". Tại kỳ họp cuối năm 2020, Quốc hội sẽ xem xét, chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, về chất vấn tại kỳ họp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước