84,30% đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia

H.T-Thứ sáu, ngày 14/06/2019 10:50 GMT+7

Ảnh: TTXVN

VTV.vn -Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia là đạo luật mang ý nghĩa xã hội và tính nhân văn cao với mục tiêu cuối cùng là bảo đảm sức khỏe của nhân dân, bảo đảm trật tự, ATXH.

Sáng nay (14/6), Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia với tỷ lệ tán thành là 84,30% (408/450 đại biểu biểu quyết thông qua, 25 đại biểu không tán thành và 17 đại biểu không biểu quyết).

Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp lần này gồm 7 chương, 36 điều; trong đó có một số vấn đề lớn đã được tiếp thu, chỉnh lý, như: tên gọi, phạm vi điều chỉnh của Luật; chính sách của Nhà nước trong phòng, chống tác hại của rượu, bia; các hành vi bị nghiêm cấm. Tại kỳ họp này, một số nội dung của dự thảo Luật tiếp tục được đưa ra thảo luận như: quy định về quản lý, quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu, bia; về các biện pháp quản lý rượu thủ công; về các biện pháp giảm tác hại của rượu, bia. Trên cơ sở ý kiến thảo luận, Quốc hội quyết định về việc thông qua Dự án Luật này với mục tiêu cuối cùng là bảo đảm sức khỏe của nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Trước đó, vào ngày 23/5/2019, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhất trí với sự cần thiết, quan điểm xây dựng và những nội dung chủ yếu của dự án Luật. Chiều ngày 03/6/2019, các vị ĐBQH đã cho ý kiến bằng hệ thống điện tử về 03 nội dung của dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Về tên gọi của Luật, trên cơ sở đa số ý kiến ĐBQH phát biểu tại Hội trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, tên gọi của Luật là phòng, chống tác hại của rượu, bia đã thể hiện rõ quan điểm phòng ngừa tác hại từ sớm chứ không chỉ ứng phó, khắc phục khi đã lạm dụng và xảy ra hậu quả tiêu cực; không những điều chỉnh đối với hành vi của người sử dụng rượu, bia mà còn xác định trách nhiệm của các chủ thể khác. Tên gọi như vậy ngắn, gọn, dễ nhớ, thuận lợi cho việc tuyên truyền, tiếp cận pháp luật của Nhân dân và nhấn mạnh mục tiêu chính của phòng, chống tác hại của rượu, bia. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ tên gọi của Luật là "Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia".

84,30% đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia - Ảnh 1.

84,30% đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia

Về một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định khung giờ cấm bán rượu, bia để hạn chế việc uống rượu, bia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, đứng trước yêu cầu phải có giải pháp mạnh mẽ để hạn chế mức tiêu thụ rượu, bia như hiện nay khi mà chưa có quy định pháp luật nào quy định trực tiếp về khung giờ được phép hoặc khung giờ hạn chế bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ, thì việc quy định khung giờ cấm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ ngay tại dự thảo Luật là cần thiết.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thận trọng tiến hành xin ý kiến các vị ĐBQH về việc quy định thời gian cấm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ.

Nhưng quy định khung giờ hạn chế bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ được ghi ở Điều 5 về các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia chưa đạt được sự đồng thuận của ĐBQH để ghi vào Luật. Tuy nhiên, hiện nay, việc này đã được pháp luật hiện hành quy định về thời gian được phép hoạt động của một số loại hình cơ sở kinh doanh dịch vụ phổ biến có bán rượu, bia như: quy định hạn chế thời gian hoạt động của cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, quầy bar… , đồng thời đã có chế tài xử lý cá nhân, tổ chức kinh doanh vi phạm, kể cả việc phải xử lý những hành vi như gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau . Vì vậy, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, đánh giá việc thực hiện các quy định trên của pháp luật hiện hành, cần thiết sẽ đề xuất biện pháp quản lý chặt chẽ hơn.

Về ý kiến đề nghị quy định cấm quảng cáo, khuyến mại rượu, bia; ý kiến khác đề nghị quy định cấm quảng cáo rượu, bia trên báo in và internet, mạng xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉ cấm quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên; cấm khuyến mại rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên và cấm sử dụng rượu, bia ở mọi loại độ cồn để khuyến mại cho người chưa đủ 18 tuổi tại Điều 5. Đối với các loại rượu, bia không thuộc trường hợp kể trên thì sẽ sử dụng những biện pháp quản lý quảng cáo, khuyến mại phù hợp theo từng mức độ cồn, tương ứng với từng loại phương tiện quảng cáo quy định tại các điều 11, 12 và 13 của dự thảo Luật.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định không được quảng cáo trên phương tiện quảng cáo (trong đó có báo in) dành cho người chưa đủ 18 tuổi, học sinh, sinh viên, phụ nữ mang thai tại điểm a khoản 3 Điều 12; quy định chặt chẽ việc quảng cáo trên internet, mạng xã hội để ngăn ngừa người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm tại khoản 5 Điều 12.

Quốc hội cũng biểu quyết tán thành bổ sung vào Điều 5 về các hành vi bị nghiêm cấm một khoản ghi rõ cấm "6. Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn", tức là đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông.

Cần xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm liên quan đến rượu, bia

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia là đạo luật mang ý nghĩa xã hội và tính nhân văn cao, với mục tiêu cao nhất cả trước mắt và lâu dài là định hướng hành vi, thay đổi thói quen có hại, góp phần quan trọng nâng cao thể chất, tinh thần, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người dân.

Thực tiễn thi hành pháp luật cho thấy, điều kiện tiên quyết để những đạo luật có tính chất dự phòng, có xử lý nhưng rất coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục như Luật này có thể đi vào cuộc sống thì khi xây dựng Luật cần có nhận thức xã hội đúng đắn, phát huy được sự tham gia tích cực từ mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng, xã hội, đặc biệt là quyết tâm bền bỉ của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Đây là quá trình lâu dài, với nhiều khó khăn, thách thức, vả lại tuy có Luật nhưng chưa thể có những quy định cụ thể điều chỉnh tất cả mọi hành vi trong xã hội liên quan đến việc phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ ngay sau khi Luật được thông qua cần chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền rộng khắp để mọi người dân, gia đình, cơ quan, tổ chức hiểu rõ và thực hiện đầy đủ, chính xác quy định của Luật, đồng thời khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này và các quy định của Luật giao thông đường bộ, Luật giao thông đường thủy nội địa và Luật Thương mại được sửa đổi tại Luật này; chú trọng củng cố, nâng cao năng lực cho người làm công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia và bố trí, huy động đủ nguồn lực cho việc tổ chức thi hành Luật.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm triển khai tốt việc thực hiện pháp luật về an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống bạo lực gia đình..., để ngăn chặn có hiệu quả và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm liên quan đến rượu, bia. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan để xây dựng cơ chế đồng bộ, hữu hiệu trong phòng, chống tác hại của rượu, bia vì sức khỏe của người dân và an toàn của cộng đồng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước