Phần lớn lao động trẻ rời làng quê đi làm công nhân ở các khu công nghiệp, nhà máy với mong muốn có thu nhập tốt hơn và có vốn tích lũy sau này khi trở về. Ngoài ra, họ còn có một khoản thu nhập khác là lương hưu và bảo hiểm y tế khi họ tham gia bảo hiểm xã hội được 20 năm. Tuy nhiên, đã có nhiều người trong số họ khi không làm việc nữa lại đi rút BHXH một lần với hi vọng đây là số vốn để bắt đầu một công việc mới ở quê mà không biết rằng đã tự làm mất đi chỗ dựa an sinh khi về già.
Tiền không nhiều nhưng người rút coi đây chỉ là một khoản thu hoạch nhỏ sau vài năm làm việc, không vấn đề gì khi còn trẻ. 4 năm 8 tháng tham gia BHXH, đã có tích lũy 70 triệu đồng nhưng chị Nguyễn Thị Hương, xã Vĩnh Xuân, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc vẫn rút BHXH để có thêm vốn mở cửa hàng.
Trường hợp tương tự là chị Lê Thị Thủy ở cùng xã Vĩnh Xuân. Dù cán bộ bảo hiểm giải thích về chế độ hưu trí và rút BHXH chỉ được 30 triệu đồng nhưng chị Thủy, năm nay đã 40 tuổi, vẫn quyết định rút 30 triệu đồng chỉ đơn giản là để trả nợ tiền xây nhà. Chị cho biết, về quê chỉ sống bằng chăn gà nên được đến đâu hay đến đó.
Khi rút BHXH một lần, không ai nghĩ đến khi về già không có lương hưu, suy giảm sức khỏe, phải sống nhờ trợ cấp. Đó không phải là trường hợp hiếm gặp ở nông thôn.
Thời gian qua, nhiều người tới cơ quan BHXH nộp đơn với lý do cần tiền thì rút, không nghĩ nhiều về sau này. Họ coi đây là một khoản tài chính làm điểm tựa cho mình có thể tiêu bất cứ lúc nào, dẫn đến gánh nặng tương lai là ở nông thôn nhiều người không có tích lũy, không việc làm và không an sinh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!