Thiết bị phân tích huỳnh quang tia X là một đề tài khoa học cấp Bộ, với kinh phí nghiên cứu 700 triệu đồng. Thiết bị này được ứng dụng cho các nhà máy sản xuất xi măng, phân bón, khai thác và chế biến khoáng sản. Nó có chất lượng ổn định, kiểm soát, xác định các thành phần của vật liệu với độ chính xác lên đến 90% và giá thành chỉ bằng 1/2 so với ngoại nhập. Tuy nhiên, đã 5 năm kể từ lúc nghiệm thu đề tài, vẫn chưa có một nhà máy nào đặt mua sản phẩm này của Viện Khoa học Vật liệu. Ngoài lý do các nhà máy hiện nay chủ yếu trang bị thiết bị ngoại nhập, vẫn còn lý do khác khiến nhà khoa học không thể thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Sau khi nghiệm thu đề tài cấp Nhà nước về "Nghiên cứu, chế tạo bộ Kit phát hiện kháng sinh trong sữa bằng kỹ thuật Nano" và đề tài "Nghiên cứu thuốc hỗ trợ cai nghiện ma túy", Phó Giáo sư Lê Quang Huấn - Viện công nghệ sinh học vẫn phải tự loay hoay tìm nguồn kinh phí hỗ trợ cho thử nghiệm lâm sàng. Nếu mọi việc trôi chảy, khoảng 3 năm nữa, thuốc mới có thể được sử dụng trong thực tế. Còn với bộ Kit chẩn đoán kháng sinh trong sữa, vì là nghiên cứu mang tính đón đầu nên vẫn chưa có doanh nghiệp nào nhận chuyển giao. Theo Phó Giáo sư Lê Quang Huấn, mỗi nhà khoa học ở Viện lại có một vài sản phẩm nghiên cứu ra rồi để đấy, chưa thể ứng dụng trong thực tế được.
Kết quả nghiên cứu của nhà khoa học trong nước chậm ra ứng dụng thực tế, một phần là do tâm lý người Việt sính dùng sản phẩm ngoại nhập. Thông tư 27 về khoán chi trong nghiên cứu khoa học vừa chính thức có hiệu lực ngày 15/2 đang được kỳ vọng như một giải pháp mới để các nhà khoa học sẽ thực sự dám làm, dám chịu trách nhiệm đến cùng với các sản phẩm nghiên cứu của mình. Giải quyết hiệu quả những vướng mắc như của Viện Khoa học Vật liệu hay Viện công nghệ sinh học hiện nay.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.