Sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 22/11/2017 22:29 GMT+7

VTV.vn - Thời gian qua, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đã có một số mô hình thí điểm thích ứng với biến đổi khí hậu đã được triển khai.

Ngày 17/11 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Lần đầu tiên, Chính phủ đã đưa ra tầm nhìn về phát triển vùng ĐBSCL đến năm 2100.

Với quan điểm phát triển là tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên, Nghị quyết đề ra mục tiêu đến năm 2050, Đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước. Trên thực tế, thời gian qua, tại khu vực ĐBSCL, đã có một số mô hình thí điểm thích ứng với biến đổi khí hậu đã được triển khai.

70% diện tích trồng lúa ở ở Ấp Thành An, xã Hỏa Tiến, TP. Vị Thanh, Hậu Giang đã và đang được chuyển đổi sang trồng dứa hay người dân địa phương gọi là cây khóm. Việc chuyển đổi sang trồng dứa ở ấp Thành An diễn ra mạnh mẽ trong vòng 1 năm trở lại đây khi nguồn nước sản xuất bị nhiễm mặn và nhiễm phèn.

Nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đang được triển khai ở các vùng xâm nhập mặn ĐBSCL. Thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ quy hoạch khai thác tài nguyên nước gắn với thích ứng với biến đổi khí hậu ở khu vực này.

Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, hàng loạt các giải pháp chuyển đổi sản xuất sẽ được triển khai ở ĐBSCL nhằm đưa thu nhập bình quân đầu người ở khu vực này lên 10.000 USD vào năm 2050, cao hơn so với bình quân chung của cả nước.

Chuyển đổi sản xuất rõ ràng là hướng đi của nhiều địa phương Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, do chưa có quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu, đã dẫn đến tình trạng, không ít địa phương chuyển đổi sản xuất một cách manh mún, thậm chí xung đột lợi ích giữa các loại hình sản xuất. Vì vậy, để việc chuyển đổi thực sự phát huy hiệu quả, các Bộ, ngành, địa phương cần triển khai các giải pháp cấp bách để đạt được một quy hoạch mang tính tổng thể.

Tổng cộng có hơn 2.500 bản quy hoạch lớn nhỏ, của nhiều Bộ ngành, nhiều địa phương đã được xây dựng cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong hội nghị về biến đổi khí hậu diễn ra tại Cần Thơ cuối tháng 9 vừa qua, các bản quy hoạch được đánh giá là mâu thuẫn, chồng chéo, thậm chí lãng phí.

Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 120 hay còn gọi là Nghị quyết phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu được đánh giá sẽ góp phần tích cực trong việc tháo gỡ những khó khăn trong việc quy hoạch, chuyển đổi sản xuất, liên kết của cả vùng trong thích ứng với biến đổi khí hậu.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước