Các cọc bê tông kè sông Ô Môn (Cần Thơ) bị sạt lở đẩy dạt ra phía ngoài. (Ảnh: TTXVN)
Đồng bằng sông Cửu Long là nơi sinh sống của gần 20 triệu người - Vùng canh tác nông nghiệp lớn nhất nước. Thế nhưng tất cả các địa phương thuộc khu vực này hiện đang phải đối mặt với nguy cơ sạt lở nghiêm trọng. Chỉ trong vòng vài ngày qua, hàng loạt vụ sạt lở đã diễn ra. Đáng lo ngại là theo dự báo, tình trạng sạt lở tại Đồng bằng sông Cửu Long nhiều khả năng vẫn chưa dừng lại.
Mới đây nhất là vụ sạt lở lan rộng tại đoạn sô Ô Môn chảy qua khu vực Thới Lợi, phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ vào ngày 10/5 khiến hàng chục hộ dân phải di dời khẩn cấp. Sự việc tương tự cũng xảy ra tại kênh Hai Quý, thuộc phường Thành Phước, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Tình trạng sạt lở xảy ra ở toàn bộ 13 tỉnh thành thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó đặc biệt nghiêm trọng là ở Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Đồng Tháp, An Giang.
Hiện có trên 560 vị trí bờ sông, bờ biển bị sạt lở với tổng chiều dài gần 800 km, đe dọa trực tiếp đến an toàn của nhiều khu dân cư và công trình hạ tầng ven sông, ven biển. Đặc biệt, những năm gần đây sạt lở ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra bất thường, không theo một quy luật nhất định. Biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thượng nguồn bị chặn dòng chảy và tình trạng khai thác nguồn tài nguyên quá mức đã làm cho tình trạng sạt lở ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng trở lên trầm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế và điều kiện sống của hàng triệu hộ dân ở ven sông, ven biển.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!