Sẽ có một làn sóng đầu tư mới của Nhật Bản vào Việt Nam

Trung Kiên, Lê Tuấn, Chí Thành (Ban Thời sự)-Thứ sáu, ngày 09/06/2017 20:28 GMT+7

VTV.vn - Sẽ có một làn sóng đầu tư mới của Nhật Bản vào Việt Nam sau chuyến thăm chính thức Nhật Bản trong 5 ngày vừa qua của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân.

Chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân là chuyến thăm 3 trong 1 và có một kết quả hoàn hảo. Vì đây là vừa chuyến thăm chính thức tới một Đối tác chiến lược, vừa tham dự và phát biểu tại Diễn đàn Tương lai châu Á và chủ trì Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Việt Nam lớn nhất từ trước tới nay.

Ở chuyến thăm thứ 2 tới Nhật Bản trong vòng 1 năm qua, tại các cuộc hội đàm rộng và hẹp đã xác định những định hướng lớn để đưa quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản bước vào kỷ nguyên mới về sự thân tình, gần gũi, tin cậy trong hợp tác phát triển.

Trong chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì một cuộc xúc tiến đầu tư vào Việt Nam ở nước ngoài lớn nhất trong lịch sử với sự tham dự của 1.400 doanh nghiệp Nhật Bản và gần 200 doanh nghiệp Việt Nam. Mấy năm trước đây, trong chuyến thăm lần đầu tiên tới Việt Nam sau khi trở lại nắm quyền, cũng lần đầu tiên Thủ tướng Shinzo Abe đã thực hiện nhiệm vụ kinh doanh khi có tới 130 doanh nghiệp Nhật Bản tháp tùng Thủ tướng. Và đây lại là lần đầu tiên Thủ tướng Shinzo Abe tham dự một hội nghị xúc tiến đầu tư và phát biểu với nhiều cam kết. Chính vì thế, nhiều người dự báo sau chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có một làn sóng đầu tư mới của Nhật Bản vào Việt Nam.

Ngoài Hội nghị xúc tiến đầu tư, trong 5 ngày ở thăm Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc làm việc và gặp riêng với khoảng 100 lãnh đạo các Tập đoàn và công ty lớn của Nhật Bản. Đây thực sự là các cuộc đối thoại giữa người đứng đầu Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp Nhật Bản, nhiều vấn đề đã được Thủ tướng quyết định hướng giải quyết ngay lập tức, trong đó nổi cộm nhất là vấn đề thị thực và không được nhập khẩu máy móc trên 10 năm sử dụng.

Ngoài ra, hai vấn đề hóc búa nhất trong lĩnh vực đầu tư giữa hai nước là công nghiệp phụ trợ và đào tạo nguồn nhân lực tới đây cũng sẽ có hướng giải quyết, nhất là sau khi Việt Nam chuyển hướng phát triển ngành công nghiệp phụ trợ vào lĩnh vực ô tô, điện tử và dệt may.

Theo lời Chủ tịch Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản, chưa bao giờ và chưa có nước nào mà Nhật Bản lại có sự thân thiện như Việt Nam. Cũng vì lẽ đó mà tại các cuộc hội kiến với Nhà vua, Hoàng hậu với Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện cũng như với lãnh đạo các chính đảng hay với Thống đốc của 6 tỉnh lớn của Nhật Bản và gần 10 tổ chức hữu nghị với Việt Nam, tất cả đều ủng hộ Thủ tướng Shinzo Abe tăng cường hợp tác với Việt Nam và các tỉnh này cũng sẽ tăng cường hợp tác với các địa phương của Việt Nam. Tình cảm này còn được thể hiện hầu như ở các tỉnh ở vùng Kansai đề có các hội hữu nghị với Việt Nam hoạt động độc lập bằng kinh phí tự quyên góp.

Cũng chính vì tình cảm với Việt Nam mà ở các địa phương của Nhật Bản đang mở ngày càng nhiều hơn các Ngày hội Việt Nam, cũng như Ngày hàng Việt Nam và nếu trong chuyến thăm Hoa Kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm các cửa hàng bán hàng Việt Nam thì trong chuyến thăm Nhật Bản lần này Thủ tướng đã đến mở đầu cho tuần lễ hàng Việt Nam tại tỉnh Saitam, để cổ vũ các doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp vào mạng phân phối nước ngoài. Chuyến thăm chính thức 5 ngày tới Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân đã có 50 hoạt động, ký được 43 văn kiện và 23 tỷ USD.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước