Hiện nay cả nước có trên 36.000 xe công. Theo phương án khoán xe công đối với cấp Thứ trưởng trở xuống đang được Bộ Tài chính trình Chính phủ sẽ cắt giảm được trên 3.400 xe và mỗi năm tiết kiệm cho ngân sách hơn 11.000 tỷ đồng trên toàn quốc. Tuy nhiên, tại một số Bộ, ngành và địa phương, việc khoán xe công hiện vẫn mang tính thử nghiệm vừa làm vừa rút kinh nghiệm và lắng nghe sự phản biện của xã hội. Ngoài ra, thuê khoán xe công cho dù là một mô hình tích cực nhưng hiện vẫn chưa có đầy đủ hành lang pháp lý để áp dụng đại trà và thống nhất trên toàn quốc.
Sau sự kiện 5 Thứ trưởng của Bộ Tài chính đến cơ quan bằng phương tiện cá nhân, đến nay cả nước chưa có thêm trường hợp nào tương tự. Tháng 3 năm 2017, Hà Nội triển khai giai đoạn 1 khoán xe công và dừng lại chờ triển khai tiếp giai đoạn 2. Một số địa phương cũng bắt đầu rục rịch thực hiện khoán xe công nhưng lại làm theo cách riêng của mình.
Hiện cả nước có trên 36.000 xe công và chi phí vận hành số xe này tiêu tốn trên 11,5 nghìn tỷ mỗi năm. Đây là những con số đáng kể trong bối cảnh ngân sách Nhà nước luôn bội chi và nợ công tiếp tục tăng cao. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng khoán xe công là việc làm cần thiết và không nên chờ đợi lâu hơn nữa.
Lợi ích của việc khoán xe công đã rõ ràng nhưng thực tiễn lại không hề đơn giản. Đến nay vẫn còn không ít ý kiến trái chiều xung quanh lộ trình và phương thức khoán xe công.
Thực tiễn cho thấy cần một hành lang pháp lý để thống nhất việc khoán xe công trên toàn quốc. Nhưng sau một thời gian thí điểm vẫn chưa có một mô hình chuẩn nên chưa chín muồi để triển khai khoán xe công trên toàn quốc.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!