Xe bus nhanh BRT tại Hà Nội đã đi vào hoạt động được hơn 8 tháng, hiện loại phương tiện công cộng này đã được nhiều người dân làm quen và sử dụng thường xuyên trong cuộc sống. Tuy nhiên, từ tháng 6 trở lại đây, xe bus nhanh BRT đang được đánh giá là có dấu hiệu quá tải khi số lượng hành khách vận tải tương đối lớn.
Mới đây, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội cùng đoàn đại biểu Hội đồng nhân dân TP Hà Nội đã có một chuyến đi thực tế tại tuyến xe bus nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa. Sau chuyến đi, Sở GTVT cho biết, số lượng hành khách vận chuyển trên xe bus nhanh mỗi ngày khá nhiều, có những chuyến vận chuyển đến trên 100 hành khách/lượt vào giờ cao điểm.
Cụ thể, xe bus BRT vận chuyển bình quân 13.485 khách/ngày, 40 hành khách/chuyến xe, riêng những ngày cao điểm đạt 17.465 lượt hành khách/ngày. Vào khung giờ cao điểm, bình quân có 70 hành khách/chuyến xe, nhiều lượt xe vận chuyển từ 105 - 115 hành khách/chuyến. So sánh với nhiều tuyến xe bus khác, lượng hành khách đi trên BRT luôn thuộc nhóm có số lượng vận chuyển cao. Được biết, hành khách của xe bus BRT tập trung chủ yếu vào giờ cao điểm từ 7h - 9h và 16h30 - 18h30, chiếm khoảng 50% số lượng hành khách của cả ngày của cả ngày.
Trung tâm điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho hay, số lượng hành khách sử dụng vé tháng để đi lại thường xuyên cao. Lượng hành khách sử dụng vé tháng 1 tuyến của tuyến BRT đang dẫn đầu so với các tuyến buýt khác. Theo khảo sát, có đến 80% hành khách sử dụng BRT là học sinh, sinh viên.
Việc xe bus nhanh BRT có dấu hiệu quá tải, số lượng hành khách cao hơn hẳn so với những tuyến xe bus khác cho thấy loại hình giao thông công cộng này đang làm việc rất hiệu quả và được người dân tin tưởng sử dụng.
Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, hiện trật tự giao thông trên tuyến xe bus BRT đã thay đổi, các phương tiện đã có sự tôn trọng làn xe riêng của xe bus BRT, sự trật tự đã cơ bản hình thành. Ngoài ra, từ khi tuyến xe bus BRT vận hành cũng chưa xảy ra hiện tượng ùn tắc giao thông nghiêm trọng hay kéo dài nào.
Thời gian qua, nhằm tăng cường khả năng kết nối với BRT, cơ quan chức năng cũng đã đề xuất điều chỉnh lộ tuyến một số tuyến bus như điều chỉnh 10 điểm dừng xe bus về gần các nhà chờ của tuyến BRT, lắp đặt bổ sung thêm điểm dừng xe bus để đảm bảo quãng đường đi bộ kết nối từ xe buýt tới nhà chờ BRT dưới100m.
Hiện Tramoc cũng đang nghiên cứu giải pháp tiếp cận cho người khuyết tật sử dụng xe lăn; thí điểm tổ chức các điểm trông giữ xe đạp, xe máy xung quanh khu vực 12 nhà chờ BRT.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!