Với địa hình nhiều núi cao vực sâu, địa chất phức tạp, các tỉnh vùng Tây Bắc là khu vực dễ xảy ra lũ quét, lũ ống và sạt lở đất. Dù đã có bản đồ về cảnh báo thiên tai, lũ quét và sạt lở đất, song bản đồ đó chưa chi tiết và chưa khoanh vùng được cụ thể từng địa bàn ở từng xã, từng bản. Tuy nhiên, dựa vào kinh nghiệm tích lũy của người dân bản địa, trước sự thay đổi của dòng chảy các con suối, sự biến động của địa chất và rừng cây, một số địa phương vẫn kịp thời có sự chuẩn bị, phòng tránh được thiệt hại về người và tài sản, do đã di chuyển dân kịp thời khỏi vùng sạt lở.
Sau gần 1 năm về tái định cư trên đất mới, đến thăm gia đình nào tại bản Cát, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu cũng cảm nhận rõ một không khí ấm cúng, đủ đầy. Bà con bản Cát vốn cần cù chăm chỉ. Di chuyển nhà cửa về nơi ở mới từ tháng 12 năm 2016 nhưng bà con vẫn tận dụng được đất sản xuất ở bản cũ, đồng thời khai hoang thêm đất mới. Chính vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo của bản Cát đã giảm dần. Nhà nào cũng ngô đầy bồ, lúa đầy sân, không thấp thỏm lo âu chạy mưa lũ và lo cái ăn từng bữa như những năm trước đây.
Những trận lũ quét từng đe dọa cuộc sống của người dân bản Cát, cách bản tái định cư chừng 4km. Bản cũ nằm ở gần vị trí giao nhau của 3 con suối, là suối Huổi Chán, suối Huổi Cát và suối Huổi Cạng. Mỗi khi có mưa lớn, dòng chảy của 3 con suối này hợp lại khiến dòng lũ càng trở nên hung hãn. Dấu vết về sức tàn phá của những trận lũ cũ vẫn còn hằn trên con suối cạn trơ đầy đá hộc. Chủ nhân của những ngôi nhà sàn đều đã di chuyển. Trong số 61 hộ dân bản cũ, huyện Thuận Châu đã quyết định di chuyển 37 hộ do nằm sát ven suối, nguy cơ sạt lở và lũ quét rất cao.
Những ngôi nhà sàn làm ở ven suối đặc biệt nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa lũ. Tuy nhiên, trong năm qua huyện Thuận Châu đã di chuyển thành công 2 điểm dân cư lớn với hàng trăm hộ dân và nhờ sự áp dụng cơ chế chính sách kịp thời của Nhà nước, của tỉnh, sự đồng thuận của các hộ dân; hiện nay, bà con ở các điểm di chuyển đến này đã ổn định đời sống, yên tâm sản xuất.
Sau khi thống kê, rà soát các địa bàn có nguy cơ cao về lũ ống lũ quét, sạt lở đất, huyện Thuận Châu đã tìm các điểm tái định cư an toàn, đồng thời áp dụng linh hoạt Quyết định 1776 ngày 21 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới hải đảo. Huyện đã hỗ trợ người dân vùng tái định cư mỗi hộ 20 triệu đồng tiền di chuyển và làm nền nhà. Mỗi hộ được bố trí diện tích đất ở hợp lý từ 240 - 300 m2 tùy theo số nhân khẩu; người dân vẫn được ở trong những ngôi nhà sàn truyền thống phù hợp với phong tục tập quán của mình.
Để ổn định cuộc sống lâu dài cho bà con đã tái định cư, ngoài việc lựa chọn được điểm tái định cư có địa chất ổn định, việc chuyển cơ cấu sản xuất, trồng cây ăn quả nhằm thay thế cây ngô trên đất dốc được coi là hướng đi mang tính bền vững. Một màu xanh no ấm, yên bình đang trải khắp các bản tái định cư vùng lũ quét, sạt lở của huyện Thuận Châu.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!