Sử dụng bóng cười có thể gây nghiện, mất tỉnh táo, co rút chân tay

Minh Đức-Thứ năm, ngày 04/10/2018 10:06 GMT+7

VTV.vn -Những tác động của bóng cười lên cơ thể rất đáng báo động, không chỉ gây nghiện, tổn thương thần kinh mà còn có thể khiến tay chân co rút, mất tỉnh táo...

Mới đây, một cô gái trẻ tên Q.A (Hà Nội) đã chia sẻ việc co rút chân, tay sau khi dùng bóng cười. Theo như Q.A chia sẻ, cô cho biết sau khi sử dụng bóng cười thì bị nằm mê man 2 ngày, co rút chân tay, hai chân bị phù nề, sau nhiều ngày vẫn chưa thể đi lại bình thường được.

Cô gái trẻ cho biết: "Tôi đi chơi cùng bạn bè và hút bóng cười từ cách đây 2 tháng rồi nhưng phải 1 tuần trở lại đây mới bắt đầu có những hiện tượng suy giảm sức khỏe. Trước đấy, khi đi chơi cùng bạn bè, tôi dùng khá nhiều bóng cười, có thể nói là nhiều hơn so với những người bình thường khác". Q.A cho biết, ở thời điểm ngay sau khi chơi bóng cười khoảng 1 tiếng, cô bị buồn ngủ và bắt đầu mê man, thậm chí các xúc giác cũng bị bị giảm dần chức năng.

Sau đó, Q.A bắt đầu có những hiện tượng ngộ độc. Ban đầu, cơ thể nôn ra những chất dịch màu vàng có mùi khó chịu, gân ở tay và chân đều bị co lại, bắp chân bị phù lên, đi lại khó khăn. "Sau khi thấy cơ thể khó chịu, tay chân co rút, tôi đã đến bệnh viện để khám, lúc đấy mới biết do tác hại của bóng cười. Bác sĩ khám cho biết, vì trước đây mình hút nhiều nên chất độc ngấm từ từ, mãi sau 2 tháng mới bắt đầu thấy hậu quả".

TS.BS Trần Thị Hồng Thu – Trưởng khoa Lâm sàng, Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương cho biết: "Việc sử dụng khí cười nhiều lần và trong thời gian dài như vậy sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh, gây ra tình trạng buồn nôn, rối loạn chuyển hóa cơ thể".

Khi nói về tình trạng cơ thể của Q.A hít khí cười bị tê liệt, tay chân co lại, phù nề, BS Hồng Thu chia sẻ thêm: "Việc hít khí N2O có thể gây nên những tổn thương cơ, tê liệt chân tay. Thực tế, chất này có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Có thể khí N2O dùng trong bóng cười đã được pha thêm một số loại khí khác để tăng hưng phấn, dẫn đến những biến đổi nguy hiểm khác trong cơ thể".

BS. Hồng Thu cũng cho biết: "Điều chúng ta có thể thấy rõ ràng nhất là việc hít khí N2O trong bóng cười trực tiếp và trong thời gian dài sẽ giảm lượng khí oxy đến não hoặc các bộ phận cơ thể khác. Điều này có thể lý giải tại sao người hít bóng cười thường mệt mỏi, ngủ mê man hoặc bị co rút chân tay sau khi chơi". Theo bác sĩ, Q.A sẽ phải tiến hành châm cứu kết hợp với điều trị từ 2 - 3 tháng mới có thể hết các hậu quả do hút bóng cười.

BS. Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc cho biết thời gian gần đây, BV tiếp nhận khá nhiều trường hợp ngộ độc khí N2O do lạm dụng bóng cười, dẫn tới tổn thương thần kinh. Đa số các bệnh nhân nhập viện khi cơ thể có cảm giác tê bì, đi không vững, phấn khích, ức chế thần kinh...

Theo BS. Nguyên, bóng cười thực chất là những trái bóng được bơm khí N2O. Sau khi hít khí này, cơ thể có cảm giác tê tê, phấn khích, cười ngả nghiêng. Tuy nhiên, khí N2O khi vào cơ thể, gây ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thần kinh và tim mạch.

"Khí cười N2O là nhóm chất gây nghiện, thuộc nhóm gây ảo giác có xu hướng tăng liều, người dùng có thể bị phụ thuộc, nghiện, tương tự heroin. Đây là lý do nhiều người lúc đầu chỉ sử dụng bóng cười cho vui, cho rằng vô hại vì hết cười lại bình thường.

Tuy nhiên, xu hướng sẽ tăng liều dần và sẽ gây nguy cơ ngộ độc. Trong trường hợp cười do hít bóng cười, việc cười quá mức, liên tục cũng đã có thể gây ngạt do thiếu ôxy. Nếu trên cơ địa có bệnh đường hô hấp thì rất nguy hiểm, có thể bị ngạt, suy hô hấp"- BS. Nguyên phân tích.

BS cũng đưa ra lời cảnh báo, hiện nay có những người vừa chơi bóng cười vừa chơi kết hợp với một số loại ma túy khác, việc này vô cùng nguy hiểm và có thể để lại những hệ lụy về sau.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước