Sử dụng và quản lý nguồn nước hiệu quả để ứng phó biến đối khí hậu

PV-Chủ nhật, ngày 22/03/2020 19:00 GMT+7

VTV.vn - Biến đổi khí hậu đã khiến hàng chục nghìn người dân ĐBSCL phải trải qua mùa khô hạn khốc liệt nhất lịch sử với những khó khăn chồng chất.

Giải quyết các vấn đề về tài nguyên nước chính là chìa khóa giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đối khí hậu, đó chính là thông điệp của Liên hợp quốc khi phát động chủ đề của Ngày Nước Thế giới 22/03 năm nay là "Nước và Biến đổi khí hậu".

Tại Việt Nam, biến đổi khí hậu đã khiến hàng chục nghìn người dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phải trải qua mùa khô hạn khốc liệt nhất lịch sử với những khó khăn chồng chất. Người dân các tỉnh nơi đây phải dựa vào nguồn nước được cấp phát miễn phí hoặc cắn răng chịu mức giá cao để mua nước ngọt được vận chuyển từ nơi khác về, hay thậm chí phải bỏ tiền mua nước sông không đảm bảo an toàn để dùng. Nước ngọt vừa quý lại vừa hiếm, vậy nên dù không ai bảo ai thì bà con đều san sẻ cho nhau và dùng tiết kiệm hết mức có thể sau khi được nhận nước ngọt cứu trợ về để sinh hoạt.

Sử dụng và quản lý nguồn nước hiệu quả để ứng phó biến đối khí hậu - Ảnh 1.

Kinh tế ngày một phát triển, đi cùng với đó là dân số cũng ngày một gia tăng, khiến nhu cầu cầu sử dụng nước ngày một cao trong khi nguồn nước tự nhiên lại đang dần cạn kiệt. Áp lực về tài nguyên nước đặt trong bối cảnh thời tiết và khí hậu diễn biến bất thường đang đặt ra bài toán về việc quản lý, khai thác và sử dụng nguồn nước một cách hiệu quả.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Châu Nguyễn Xuân Quang, Phó Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường, Đại học Quốc gia TP.HCM, nhận định nước là nguồn tài nguyên rất dễ chịu tổn thương, cụ thể là rất dễ bị ô nhiễm. Tình trạng xâm nhập mặn hiện nay tại ĐBSCL, theo ông Quang, cũng là một dạng ô nhiễm, bên cạnh việc xả thải của các cộng đồng dân sinh – kinh tế. Tất cả những yếu tố này đều khiến chất lượng nguồn nước bị suy thoái.

Còn ông Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu, Trường ĐH Cần Thơ, thì cho rằng: "Đừng cố gắng chống lại sự thay đổi của thiên nhiên, bởi nếu càng chống thì có khi thiên nhiên sẽ càng quật lại và mức độ ảnh hưởng nặng nề hơn rất nhiều."

Đứng trước thách thức lớn về bảo đảm an ninh nguồn nước cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, chúng ta cần phải có những cơ chế, chính sách để chia sẻ nguồn nước một cách hợp lý.

Không chỉ vậy, chúng ta cũng cần có những thay đổi trong việc quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước bởi các chuyên gia cho rằng, khủng hoảng nước hiện nay không chỉ do nước quá ít mà còn do ý thức bảo vệ nguồn nước kém, còn tồn tại nhiều vấn đề trong việc quản lý nguồn nước, đặc biệt là khi khai thác nước ngầm tại ĐBSCL vẫn tiếp diễn khiến nhiều nơi bị sụt lún nghiêm trọng và nhiều vấn đề trong việc thúc đẩy xã hội hóa đầu tư nước sạch.

Sử dụng và quản lý nguồn nước hiệu quả để ứng phó biến đối khí hậu - Ảnh 2.

Những diễn biến của biến đổi khí hậu và nguy cơ thiếu nước không chỉ còn là dự báo, mà đã hiện hữu ở rất nhiều vùng, nhiều miền. Suy nghĩ cố hữu rằng nguồn nước ngọt là vô tận hiện cần được thay đổi. Người dân cần hiểu đúng về vai trò và mối nguy hại khi thiếu nước, mà cụ thể trước mắt là những khốc liệt mà người dân khu vực ĐBSCL đang phải gánh chịu.

Đồng thời, chính quyền và các cơ quan chức năng cần phải có những cơ chế phù hợp để quản lý nguồn nước một cách hiệu quả và đảm bảo phân phối nguồn nước một cách hợp lý, tránh tình trạng nơi thừa nơi thiếu. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải có những chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất nước sạch có thể tiếp cận với người dân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước