Bế mạc phiên họp 46 Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Sau 3 ngày làm việc, sáng 9/3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc phiên họp thứ 46.
Trước đó, cho ý kiến vào dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng nhiệm kì qua, Quốc hội đã có những đổi mới mạnh mẽ trong hoạt động lập hiến, lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần đưa đất nước vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với các nội dung trong dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ, cho rằng báo cáo đã nêu rõ những thành tựu quan trọng, toàn diện của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII.
Trung ương giới thiệu nhân sự lãnh đạo cấp cao
Sáng 10/3, Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã chính thức khai mạc tại Hà Nội, trong đó, vấn đề nhân sự rất được quan tâm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng khai mạc Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Tại hội nghị, Trung ương thảo luận về chương trình làm việc toàn khoá của Ban Chấp hành Trung ương; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; việc giới thiệu nhân sự lãnh đạo cấp cao của các cơ quan nhà nước và một số vấn đề quan trọng khác.
Về chương trình làm việc của Ban chấp hành Trung ương khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, với tinh thần tiếp tục đổi mới, cải tiến cách ban hành nghị quyết đi đôi với việc tăng cường kiểm tra, chỉ đạo thực hiện, Trung ương cần tập trung thảo luận, lựa chọn đưa vào chương trình những vấn đề lớn, quan trọng và cần thiết nhất.
Chính thức cưỡng chế dỡ phần sai phạm tòa nhà 8B Lê Trực
Sáng 6/3, cơ quan chức năng đã bắt đầu cưỡng chế, phá dỡ toàn bộ phần công trình sai phạm tại tòa nhà 8B phố Lê Trực, Hà Nội. Diện tích phá dỡ ngày 6/3 thuộc tầng 19 của tòa nhà. Đây là phần diện tích vượt chiều cao cũng như diện tích mặt sàn vượt quá quy định nằm trong giấy phép xây dựng đã được cấp cho chủ đầu tư.
Từ ngày 6/3, trung bình mỗi ngày có khoảng 40 công nhân và 12 máy khoan làm việc liên tục cho đến khi việc cưỡng chế hoàn thành.
Cũng liên quan đến vụ nhà 8B Lê Trực, chiều 9/3, UBND TP Hà Nội đã nhất trí với đề xuất xử lý kỷ luật nhiều cán bộ, công chức, viên chức của Sở Xây dựng và quận Ba Đình. Theo đó, 10 cán bộ thuộc diện Sở Xây dựng quản lý sẽ bị xử lý kỷ luật. Hình thức kỷ luật cao nhất được áp dụng là cách chức, điều chuyển công tác Đội trưởng và Phó Đội trưởng Đội Thanh tra xây dựng quận Ba Đình.
Phó Chánh thanh tra và chuyên viên phòng Quản lý cấp phép Sở Xây dựng Hà Nội cũng bị khiển trách. Trong khi đó, nhiều chuyên viên và cán sự Đội thanh tra xây dựng quận Ba Đình bị cách chức và chuyển công tác không liên quan đến quản lý trật tự xây dựng. Còn nguyên Tổ trưởng Thanh tra xây dựng phường Điện Biên bị buộc thôi việc. Riêng 2 trường hợp là lãnh đạo Sở Xây dựng sai phạm đã nghỉ hưu không thuộc diện bị xử lý kỷ luật theo Nghị định 34 của Chính phủ.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng đề nghị tập thể Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong công tác quản lý trật tự trên địa bàn quận, không để xảy ra các vi phạm tương tự. Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình cũng cách chức Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Điện Biên - địa bàn có công trình xây dựng sai phép.
Thanh tra toàn diện 58 biệt thự tại Ba Vì
Đại diện của Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: 58 căn biệt thự trên khu đất mang tên "Điền viên thôn" nằm trong diện tích gần 4,8ha là công trình xây dựng sai phép. Vì diện tích này do một cá nhân đại diện mua lại từ các hộ gia đình, cá nhân trong xã nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc mua bán đất đại tại khu vực sai phạm được tiến hành qua hình thức trao tay không qua công chứng, chứng thực; Vị trí xây dựng các công trình trên là đất ở nông thôn nằm giáp ranh, xen kẹt nên người dân không được mua bán.
Ngay trong chiều 8/3, Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo lập đoàn thanh tra liên ngành để làm rõ vụ việc. Kết luận sẽ được công bố sau ít nhất 15 ngày nữa. Đoàn thanh tra liên ngành gồm 12 thành viên, do ông Nguyễn An Huy – Phó Chánh Thanh tra TP là Trưởng đoàn.
Tàu hơn 7.000 tấn kẹt dưới gầm cầu: Bơm nước, cắt lan can tàu
Khoảng 18h ngày 6/3, tàu Thành Luân trọng tải hơn 7.000 tấn, dài gần 50m trong lúc di chuyển từ Hải Dương về Hải Phòng đã đâm vào dầm cầu An Thái nối huyện Kim Thành và Kinh Môn (Hải Dương). Cú đâm khiến dầm cầu dài hơn 290m, rộng 11m bị rạn nứt ở giữa đỉnh. Con tàu mắc kẹt phía dưới gầm, cabin hư hỏng nặng. Theo ghi nhận của phóng viên VTV có mặt tại hiện trường, một số biện pháp cứu hộ cơ bản như cho tàu bơm nước vào lòng chiếc tàu thủy cơ lớn để giảm chiều cao, nhưng vẫn không có hiệu quả. Vì vậy, lực lượng cứu hộ đã phải tiếp tục cắt các lan can bị vướng của cabin tàu.
Cuộc họp bàn phương án khắc phục vụ tàu thủy đâm vào cầu An Thái (tỉnh Hải Dương) đã diễn ra vào cuối giờ chiều 7/3 giữa nhóm cán bộ, kỹ sư của Bộ GTVT với tỉnh Hải Dương. Kết thúc buổi họp, phương án khắc phục hậu quả của vụ việc đã được đưa ra. Theo đó, phần dầm cầu bị gãy sẽ được thay thế bằng các thanh sắt chịu lực. Tàu thủy gây tai nạn sau đó sẽ được đưa ra và việc gia cố sẽ tiếp tục.
Đại học Hùng Vương sa thải hơn 100 cán bộ, giảng viên vì... hết tiền
Theo thông tin từ một lãnh đạo trường Đại học Hùng Vương TP.HCM, lý do được đưa ra là đã 4 năm trường không được tuyển sinh nên hiện không còn nguồn thu. Do đó, ông Đặng Thành Tâm với tư cách Chủ tịch HĐQT nhà trường đã ký quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với 82 cán bộ, giảng viên. Những người này đồng ý nhận đầy đủ trợ cấp theo quy định để chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 5/4. Đồng thời, trường cũng ra thông báo với 26 cán bộ, giảng viên còn lại về việc sẽ chấm dứt hợp đồng trong thời gian tới nhưng những người này không chấp nhận.
Hiện, trường Đại học Hùng Vương TP.HCM chỉ còn 50 sinh viên; công tác xin chỉ tiêu tuyển sinh cho năm 2016 chưa thể thực hiện được nên hoạt động giảng dạy, các công tác bổ trợ khác gặp rất nhiều khó khăn.
TP HCM: Giới trẻ hào hứng ngắm nhật thực
Vào sáng sớm 9/3, người dân ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương bao gồm phần lớn các nước Đông Nam Á, trong đó có Indonesia, Malaysia và Việt Nam, đã được chứng kiến hiện tượng nhật thực một phần.
Tại Việt Nam, TP.HCM được xem là nơi quan sát gần như tốt nhất nhật thực trong khoảng từ 6h30 đến 9h nên nhiều bạn trẻ đã háo hức rủ nhau đi ngắm hiện tượng thiên văn kỳ thú này.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!