Chỉ tính riêng trong thập kỷ qua, thất thoát trong nông nghiệp trên toàn thế giới ước tính lên tới 48 tỷ USD với 77% trong số đó là do thiên tai, lũ lụt.
Tại Việt Nam, có những vụ hạn hán đã làm sản lượng lương thực sụt giảm tới 30%. Gánh nặng nuôi dân số toàn cầu vốn đang tăng nhanh lại càng trở nên nặng nề hơn do tác động của biến đổi khí hậu.
Chính vì vậy, đảm bảo an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu là nhiệm vụ mà APEC cần thực hiện, đồng thời cũng là trách nhiệm mà mỗi nền kinh tế thành viên cần gánh vác. Đây cũng là nội dung chính của Diễn đàn Đối thoại cao cấp APEC diễn ra hôm nay (25/8) tại Cần Thơ.
Biến đổi khí hậu đã và đang gây nhiều tác động. Hạn hán khiến sản lượng sụt giảm. Nước biển dâng ảnh hưởng lớn tới nuôi trồng thủy sản và làm biến mất các diện tích đất ven biển. Liên Hợp Quốc dự báo sản xuất nông nghiệp cần phải tăng 70% để đáp ứng nhu cầu vào năm 2050. Trong khi đó, giá nhiều loại ngũ cốc được dự báo sẽ tăng và không ai biết diện tích đất sản xuất nông nghiệp sẽ thay đổi như thế nào trong tương lai? Thực tế này đòi hỏi các nền kinh tế thành viên APEC cần tăng cường hợp tác và hướng tới nền nông nghiệp xanh bền vững.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định đảm bảo an ninh lương thực cũng đồng nghĩa với việc đảm bảo cho sự phát triển bao trùm và quan tâm đến phúc lợi của mọi người dân.
Cuối giờ chiều 25/8, 21 nền kinh tế thành viên APEC đã thống nhất thông qua 3 văn kiện quan trọng, gồm: Tuyên bố Cần Thơ về Tăng cường an ninh lương thực và Phát triển nông nghiệp bền vững; Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình khung APEC về An ninh lương thực và Biến đổi khí hậu và Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển nông thôn - đô thị bền vững. Các văn kiện này sẽ là khuôn khổ và cơ sở quan trọng để thúc đẩy hợp tác APEC một cách thực chất và hiệu quả hơn.
Trong đó, Tuyên bố chung Cần Thơ nhấn mạnh: An ninh lương thực vẫn sẽ là một vấn đề quan trọng đối với cộng đồng quốc tế nói chung và khu vực APEC nói riêng. Vì vậy, các nền kinh tế thành viên sẽ tăng cường hợp tác để quản lý tài nguyên, quản lý thất thoát và lãng phí lương thực. Đặc biệt, các thành viên APEC cũng cam kết sẽ tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư trong nông nghiệp và thúc đẩy phát triển thị trường nông sản trong khu vực.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!