Tăng tuổi nghỉ hưu lên 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam, đây là một nội dung trong dự thảo bộ luật Lao động (sửa đổi) mà Quốc hội thảo luận đầu tuần qua. Nội dung này tiếp tục gây tranh luận với 2 nhóm ý kiến khác nhau. Đồng tình và chưa đồng tình.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cơ quan soạn thảo dự luật này đã đưa ra 3 lý do đề xuất tăng tuổi hưu gồm: Dân số đang già hóa; Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu để bảo đảm cân bằng ổn định của quỹ bảo hiểm xã hội; Khả năng lao động sau tuổi nghỉ hưu của người Việt Nam là cao.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định tăng tuổi hưu đã là việc không thể trì hoãn
Với những lý do trên, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng "tăng tuổi hưu đã là việc không thể trì hoãn".
Cũng với quan điểm đồng tình, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội cũng là cơ quan thẩm tra dự thảo luật này cũng khẳng định, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu là hợp lý vì thực tế vẫn có 42% người lao động sau nghỉ hưu tham gia vào thị trường lao động. Lương hưu của người lao động hiện rất thấp, chỉ trên 3 triệu đồng, đặc biệt là giáo viên mầm non. Nếu như kéo dài thêm thời gian làm việc thì cũng là kéo dài thêm thời gian tích lũy quỹ hưu trí để tiền lương hưu cao hơn.
Dù Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu là "không thể trì hoãn". Và bên lề kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng cũng khẳng định, không có chuyện người già tranh chấp chỗ của người trẻ, quan chức giữ ghế để làm việc, và nếu không tăng tuổi nghỉ hưu, thì sẽ truyền gánh nặng cho thế hệ sau", song khi thảo luận, không ít đại biểu Quốc hội nói rằng, họ vẫn không yên tâm.
Như đại biểu Quốc hội TP.HCM, Phạm Khánh Phong Lan thẳng thắn phát biểu: "Chẳng công nhân nào mong muốn tăng tuổi nghỉ hưu, vì họ cũng đã làm hết sức rồi".
Còn bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam dẫn kết quả mà Hội đã khảo sát ở 5 tỉnh Tây nguyên và một số tỉnh khác cho thấy: Lao động ở khu vực hầm lò độc hại, lao động một số ngành nghề nghiệp, cô giáo mầm non… hầu hết muốn được nghỉ hưu sớm.
Về phía báo chí, viết về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, tờ Thanh niên đặt câu hỏi "Làm luật cho ai?": Khi mà những người soạn thảo luật hẳn là chưa hình dung hết cảnh cô giáo mầm non đã ngoài 50 tuổi vẫn phải múa hát; chị công nhân dệt may ngồi còng lưng bên máy 10 tiếng mỗi ngày; hay anh công nhân điện tử mắt đã mờ vẫn phải cố đến ngày về hưu… thì việc tăng thêm 2 năm, 5 năm tuổi hưu là gánh nặng với họ đến mức nào?
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!