Tính đến nay, Việt Nam ghi nhận 16 ca nhiễm COVID-19, riêng Vĩnh Phúc là 11 ca và có những ca lây nhiễm cộng đồng. Trong đó, đã có 5 ca mắc do lây truyền thứ phát trong cộng đồng tại địa bàn xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên.
Trước tình trạng này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do COVID-19 đã yêu cầu Bộ Y tế và tất cả các ban ngành liên quan phải tập trung khoang vùng, cách ly không để dịch lan rộng ra cộng đồng.
Ngày 12/2, tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp về phòng chống dịch theo quy định của luật phòng chống bệnh truyền nhiễm với việc tiến hành khoanh vùng, cách ly khu vực có dịch tại xã Sơn Lôi.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, chuyên gia hàng đầu về dịch tễ tại Việt Nam, ông cũng tham gia hỗ trợ ngành y tế Vĩnh Phúc trong việc phòng chống dịch bệnh COVID-19, "việc khoanh vùng, cách ly khu vực có dịch tại xã Sơn Lôi là làm sao quản lý được, ngăn chặn dịch kịp thời, không để lây lan ra cộng đồng.Trước đây chúng ta cách ly từng ca bệnh riêng biệt thì bây giờ chúng ta cách lymột cộng đồng, cụ thể ở đây là Sơn Lôi. Không phải cách ly của tỉnh Vĩnh Phúc bởi thời gian qua, nhiều thông tin cho rằng, cả Vĩnh Phúc đã bị cách ly. Việc này làm còn để huy động các cấp, các ngành, chính quyền tham gia vào và khoanh vùng dịch kịp thời, hạn chế việc ra vào của người dân để không lan ra các huyện khác, tỉnh khác".
Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu: "Các biện pháp chuyên môn đã có còn khó khăn lớn nhất tại Sơn Lôi, Vĩnh Phúc là làm sao vừa chống dịch nhưng cũng vừa để người dân an tâm, ổn định cuộc sống và người dân tham gia, tất cả ban ngành, chính quyền vào cuộc. Hiện nay, Vĩnh Phúc đã nghĩ tới việc để giải quyết những vấn đề đó".
Đánh giá về hiệu quả của những giải pháp mà tỉnh Vĩnh Phúc đang triển khai tại xã Sơn Lôi, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng: "Việc làm này có hiệu quả bởi trong giải quyết về dịch,chúng ta khoanh vùng cách ly là chúng ta quản lý được nguồn lây. Áp dụng các biện pháp khử trùng, vệ sinh, tuyên truyền để người dân có thể tự làm, giải quyết được việc nguồn bệnh không lây lan. Nâng cao ý thức của những người có khả năng tiếp xúc. Đặc biệt, huy động được tất cả các cấp, các ngành tham gia. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải chú ý đến các xã khác của Bình Xuyên, các huyện khác của Vĩnh Phúc, kể cả Hà Nội cũng phải chú ý bởi rất gần Vĩnh Phúc".
"Tình hình dịch của Trung Quốc tăng theo cấp số nhân. Ở Việt Nam, việc lây lan cũng tương đối nhanh. Ví dụ, 1 trường hợp ở xã Sơn Lôi lây ra các miền khác bởi có những cái khác thường so với SARS. Đối với SARS, tất cả các ca nặng thường vào bệnh viện nhưng ở đây, với COVID-19, có những ca nhẹ thậm chí những ca không có triệu chứng nên có thể lây lan mà không quản lý được. Nhưng tôi cho rằng, ở Việt Nam, mới có những ca xâm nhập, còn những ca lây trong cộng đồng ở trong phạm vi hẹp, chúng ta đang quản được và kiểm soát được" - PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết thêm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!