Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác củng cố khối đoàn kết, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Để làm được điều này, Người thường yêu cầu các tổ chức đảng và đảng viên phải thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự phê bình là "nêu ưu điểm và vạch ra khuyết điểm của mình", là thật thà nhận, công khai nhận trước mặt mọi người những khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa. Còn phê bình là "nêu ưu điểm, vạch ra khuyết điểm của đồng chí mình"; là tham gia góp ý kiến và nêu cách thức để sửa chữa khuyết điểm. "Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau".
Coi tự phê bình và phê bình là công việc thường ngày, rất quan trọng, không làm không được, theo Người, tự phê bình là việc làm không dễ nhưng phải quyết chí làm bằng được để nhắm tới nhiều mục tiêu của cách mạng.
Bác thường xuyên yêu cầu "Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ khỏe mạnh vô cùng''.
Người cũng cho rằng, mục đích của tự phê bình là để sửa chữa, để tiến bộ. Nếu tự ái, không chịu thẳng thắn thừa nhận cái sai, cái kém của mình thì bản thân chẳng những mất uy tín, mà còn gây mất uy tín cho Đảng, cho tổ chức.
Trong Di chúc để lại, Người cũng không quên căn dặn: "Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng".
Nhìn lại thực tiễn công tác xây dựng Đảng trong những năm qua, chúng ta càng thấy ý nghĩa những lời cặn dặn của của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình. Chỉ có nghiêm túc tự phê bình và phê bình, mỗi đảng viên mới có thể đẩy lùi được các biểu hiện suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa - như yêu cầu Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đề ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!