Theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP của Chính phủ về mức lương tối thiểu vùng, từ 1/1/2020 mức lương này sẽ được điều chỉnh tăng, cụ thể:
Vùng I: Tăng từ 4,18 triệu đồng/tháng lên 4,42 triệu đồng/tháng; Vùng II: Tăng từ 3,71 triệu đồng/tháng lên 3,92 triệu đồng/tháng; Vùng III: Tăng từ 3,25 triệu đồng/tháng lên 3,43 triệu đồng/tháng; Vùng IV: Tăng từ 2,92 triệu đồng/tháng lên 3,07 triệu đồng/tháng.
Khi mức lương tối thiểu vùng tăng, những người lao động đang có mức lương dưới mức lương tối thiểu vùng; những người làm công việc đã qua đào tạo, học nghề có mức lương dưới 7% mức lương tối thiểu vùng sẽ được tăng lương.
Các doanh nghiệp ngoài việc điều chỉnh lương người lao động còn phải điều chỉnh mức lương đóng bảo hiểm xã hội cho đối tượng này theo quy định.
Tăng lương tối thiểu vùng từ 1/1/2020 (ảnh minh họa)
Nghị định 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định, từ 5/1/2020 tăng hàng loạt mức phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này. Cụ thể:
Phạt đến 500 triệu đồng với cá nhân và 1 tỷ đồng với tổ chức nếu lấn, chiếm đất chưa sử dụng, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp (tăng 100 lần so với mức phạt trước đây);
Phạt đến 500 triệu đồng với cá nhân và 1 tỷ đồng với tổ chức nếu tự ý chuyển từ đất trồng lúa sang đất ở (tăng 10 mức phạt so với trước đây).
Phạt đến 10 triệu đồng với cá nhân và 20 triệu đồng với tổ chức nếu bỏ hoang đất mà không thuộc trường hợp bất khả kháng.
Thông tư 18/2019/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính nêu rõ, từ 1/1/2020 siết chặt hơn các quy định đối với công ty tài chính trong việc thúc giục đòi nợ khách hàng.
Ngoài việc yêu cầu các công ty này không được sử dụng biện pháp đe dọa đối với khách hàng; không nhắc nợ trong khoảng thời gian từ 7-21 giờ. Thông tư này yêu cầu các công ty tài chính không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ như người thân của khách hàng, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Chỉ được nhắc nợ đối với khách hàng tối đa 5 lần/ngày…
Theo Thông tư 21/2019/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy chế quản lý, chứng chỉ trong hệ thống giáo dục quốc dân, từ 15/1/2020 bổ sung thêm trường hợp bị thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ, là do lỗi của cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ.
Thông tư cũng quy định các trường đại học đại học chỉ được in phôi chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân theo mẫu do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
Thông tư 06/2019/TT-BXD của Bộ Xây dựng sửa đổi các Thông tư liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư có hiệu lực từ 1/1/2020. Theo đó, quyền biểu quyết sẽ được tính theo diện tích sở hữu riêng của chủ căn hộ trong nhà chung cư theo nguyên tắc: 1m2 diện tích sở hữu riêng tương đương với 1 phiếu biểu quyết.
Thông tư 59/2018/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải quy định việc dán nhãn năng lượng đối với xe mô tô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu. Từ 1/1/2020, cơ sở sản xuất, nhập khẩu in nhãn năng lượng theo mẫu và thực hiện dán trên từng xe tại vị trí dễ quan sát trước khi đưa ra thị trường. Nhãn nãy được duy trì trên xe tới khi xe được bàn giao đến tay người tiêu dùng.
Trước khi dán nhãn năng lượng, các cơ sở sản xuất, nhập khẩu phải công khai thông tin về mức tiêu thụ nhiên liệu, duy trì trong suốt thời gian cơ sở sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh xe cung cấp kiểu loại xe đó ra thị trường.