Với kết quả theo dõi trong 5 năm, những con số và vấn đề mà nhóm nghiên cứu đưa ra đã cho thấy hiện là giai đoạn chín muồi để thực hiện chủ trương này. Tuy nhiên, chính sách đang bộc lộ nhiều bất cập khiến xu hướng tích tụ và tập trung ruộng đất đang chững lại.
Khảo sát 25 doanh nghiệp và 116 hộ nông dân tại 3 tỉnh là Hà Nam, Thái Bình và Ninh Bình, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, xu hướng tích tụ và tập trung ruộng đất ở hợp tác xã và doanh nghiệp hiện đã giảm 7-9% so với năm 2011.
Thực tế nhu cầu cho thuê và chuyển nhượng ruộng đất của người dân rất cao nhưng nhu cầu thuê, mua lại rất ít. Hàng loạt nguyên nhân đã được chỉ ra như: Khái niệm về tích tụ và tập trung ruộng đất còn chưa thống nhất, mỗi nơi hiểu và làm một kiểu; chính sách và luật cũng tạo ra nhiều hạn chế trong tiếp cận đất đai.
Các quy định về hạn điền như khu vực đồng bằng sông Hồng không quá 22ha/hộ, đồng bằng sông Cửu Long không quá 33ha/hộ và chuyển đổi trên 10ha phải xin ý kiến Thủ tướng, dưới 10ha xin ý kiến Hội đồng nhân dân cũng đã là một rào cản. Tại 3 tỉnh khảo sát, để tránh rào cản về hạn mức, đã có chuyện ngại khai báo, hoặc nhờ người khác đứng tên khi thuê, mua ruộng đất.
Để đảm bảo quyền và lợi ích cho nông dân, theo các chuyên gia đã đến lúc ruộng đất phải là một tài sản của nông dân. Tại Hà Nam, giá đền bù cho thu hồi đất Nhà nước đã lên tới 61 triệu/sào nên rất hấp dẫn nông dân ủng hộ tích tụ, tập trung ruộng đất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!